Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên

Đăng vào 10/10/2024

Sáng 10/10, tại Hà Nội, nhân Tuần lễ Pháp luật Việt – Đức 2024, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trao đổi với Đoàn chuyên gia Đức về chủ đề “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên”.

Quang cảnh buổi trao đổi

TS. Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lập pháp về Hành chính – Nhà nước chủ trì buổi trao đổi. Cùng dự còn có: Bà Đinh Thanh Hương - Trưởng Ban Quản lý khoa học; ông Trương Quốc Hưng – Phó Trưởng Ban Quản lý khoa học; ông Đỗ Ngọc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Hành chính-Nhà nước; đại diện các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.

Về phía Đoàn chuyên gia Đức có: Trưởng đại diện của quỹ FES tại Việt Nam Christian Timo; các Giáo sư, chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức.

TS. Phan Văn Ngọc cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan nghiên cứu lập pháp duy nhất của Quốc hội. Viện được thành lập từ năm 2008 với chức năng chính là nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học lập pháp, cung cấp thông tin khoa học lập pháp phục vụ Quốc hội; quản lý hoạt động khoa học trong khối các cơ quan của Quốc hội.

Viện Nghiên cứu lập pháp có 05 đơn vị trực thuộc với gần 60 nhân sự, đa số được đào tạo bài bản, có học vị Tiến sĩ và Thạc sĩ. Sức mạnh lớn nhất của Viện là trí tuệ và kinh nghiệm của mạng lưới hơn 400 chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực cộng tác thường xuyên; có mối quan hệ phối hợp, cộng tác với nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, phục vụ trực tiếp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội, các vị ĐBQH, TS. Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lập pháp về Hành chính – Nhà nước nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu lập pháp ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng trong các khâu, các bước của quy trình lập pháp của Quốc hội.

TS. Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lập pháp về Hành chính – Nhà nước; Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương cùng đại diện các đơn vị tại buổi trao đổi

TS. Phan Văn Ngọc cũng cho biết, vấn đề trẻ em nói chung và tư pháp đối với người chưa thành niên nói riêng là vấn đề xuyên suốt, nhất quán và rất được Việt Nam quan tâm. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới ký Công ước quyền trẻ em vào năm 1990. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định trẻ em là đối tượng được ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt, được thể hiện trong nhiều Nghị quyết và văn kiện quan trọng của Đảng. Gần đây, Chỉ thị số 28 ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã đưa ra giải pháp “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Về pháp luật, quyền trẻ em là quyền được hiến định trong Hiến pháp. Việt Nam có một hệ thống pháp luật tư pháp với các quy định tương đối đầy đủ về tư pháp người chưa thành niên như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em,… và nhiều văn bản luật khác hướng dẫn thi hành, nhất là Nghị quyết hướng dẫn xét xử của TANDTC. Các văn bản này đều có các chương, điều riêng về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội; quy định hình phạt nhẹ hơn, nhân văn hơn so với người đã thành niên, không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; quy định chuyển hướng để không áp dụng hoặc hạn chế tối đa việc áp dụng quy trình tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội;..

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây được kỳ vọng là văn bản luật chuyên biệt về tư pháp người  chưa thành niên, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có, nội luật hóa các điều ước quốc tế; đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với tính chất là đối tượng đặc biệt, yếu thế. Dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2024).

Trưởng đại diện của quỹ FES tại Việt Nam Christian Timo cùng các Giáo sư, chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức.

Tại buổi trao đổi, các chuyên gia Đức đã giới thiệu tổng quan về Luật Hình sự đối với người chưa thành niên ở CHLB Đức. Trong đó, tập trung nhấn mạnh về các nguồn luật và các nguyên tắc cơ bản; lứa tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, các hình phạt trong luật hình sự đối với người chưa thành nhiên;… Đồng thời các chuyên gia cũng phân tích những điểm đặc thù trong luật tố tụng, đưa ra các ví dụ thực tiễn và nghiên cứu điểm.

Theo các chuyên gia, nguyên tắc cơ bản đối với hình sự người chưa thành niên là giáo dục thay vì trừng phạt; cá nhân hóa, tính hợp lý, tương xứng và chuyển hướng. Những điểm đặc thù trong luật tố tụng bao gồm: thẩm phán chuyên về người chưa thành niên và công tố viên chuyên về người chưa thành niên; thẩm quyền đặc biệt (nơi cư trú); hỗ trợ tư pháp người chưa thành niên, sự tham gia của bố mẹ; nguyên tắc đẩy nhanh tố tụng, xét xử không công khai.

Các chuyên gia Đức cũng lưu ý, quy định tại Luật Hình sự người chưa thành niên cần phân định rõ ràng và có những điểm khác biệt với luật hình sự đối với người trưởng thành về mặt luật thủ tục, luật nội  dung.

Các đại biểu tặng quà và chụp ảnh lưu niệm tại buổi trao đổi

Kết thúc buổi trao đổi, TS. Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lập pháp về Hành chính – Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận, đánh giá cao những chia sẻ, kinh nghiệm của các Giáo sư, chuyên gia CHLB Đức về vấn đề tư pháp người chưa thành niên. Đồng thời, cho biết thông tin tại buổi trao đổi sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, góp phần cung cấp thông tin khoa học, phục vụ hữu ích quá trình xem xét, thông qua dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên trong thời gian tới./. 

Nguồn: Lê Anh - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM