Trường Đại học Luật Hà Nội được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội do có thành tích trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô

Đăng vào 11/10/2024

Sáng 11/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ trụ sở UBND thành phố tới các sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn; với khoảng 30.000 đại biểu tham dự.

Trường Đại học Luật Hà Nội nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì đã có thành tích trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô. (Ảnh: VGP/Minh Anh)

Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội…

Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11-2024).

Bên cạnh đó, Ban tổ chức hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô. Thay mặt Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Bá Bình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 1/8/2023, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học ''Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)''. Hội thảo tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 vấn đề: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và Phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Bên cạnh các tham luận liên quan đến 9 chính sách, còn có các bài viết về kinh nghiệm quản lý đô thị, phân quyền, phân cấp của Trung ương cho địa phương… nhằm tham góp các luận cứ khoa học của đội ngũ tri thức, nhà khoa học với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu trong xây dựng Luật.