Ngày 18/10, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học về Chính sách, pháp luật về nhà giáo: Tiếp cận từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay. PGS.TS Tô Văn Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học về Chính sách, pháp luật về nhà giáo: Tiếp cận từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng về khoa học, làm cơ sở để đề xuất hoàn thiện pháp luật về nhà giáo. Kết quả thảo luận tại hội thảo là nguồn tài liệu khoa học liên quan đến chính sách, pháp luật về nhà giáo phục vụ cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. Hội thảo cũng góp phần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Đại học Luật Hà Nội với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc UBTVQH trong công tác nghiên cứu khoa học.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; TS. Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cùng một số đại diện đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế; TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước cùng đại diện một số khoa chuyên môn, phòng ban và sinh viên, học viên các khóa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Tô Văn Hoà nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục – yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. PGS.TS Tô Văn Hoà chia sẻ. “Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục, là khâu đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lực chất lượng cao – khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước”.
PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhà giáo chưa thực sự được coi trọng và phát huy năng lực; cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại; chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành; công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo đã bộc lộ những bất cập nhất định; hệ thống pháp luật về nhà giáo chưa được đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, rất cần có những chính sách mạnh mẽ, đột phá hơn nữa về nhà giáo để nhà giáo thực sự được tôn vinh. PGS.TS Tô Văn Hoà hy vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà giáo trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu thẳng thắn nêu ý kiến về tình trạng quản lý nhà nước về nhà giáo ở Việt Nam hiện nay; các yêu cầu đặt ra trong hoạch định chính sách về nhà giáo ở Việt Nam cũng như chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tại các cơ sở giáo dục đại học công lập. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi, chia sẻ, góp ý về tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Nhà giáo trong hệ thống pháp luật; góp ý nội dung dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chế độ, chính sách đối với nhà giáo…
Một số hình ảnh tại hội thảo