Nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 22/10, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ ngày 26/4/2019 về lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030.
Các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ ngày 26/4/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Tham dự Hội nghị có bà Vũ Kim Dung, Tổ trưởng Tổ công đoàn, Trưởng phòng Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng thường trực; PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Bá Bình - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị và phân hiệu thuộc Trường; lãnh đạo các bộ môn thuộc Khoa/Viện/Trung tâm.
Năm 2013, trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vấn đề tăng cường cán bộ có trình độ pháp luật đặt ra đối với tất cả các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, dẫn tới nhu cầu rất lớn về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đề án được chia thành 02 giai đoạn: từ năm 2012-2016 và giai đoạn từ năm 2016-2020. Bên cạnh sự quan tâm của các Bộ, Ngành, Trường còn nhận được sự quan tâm lớn của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Đề án. Ngày 26/4/2019, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030.
Sau 07 năm triển khai thực hiện, đến năm 2020, khi thời hạn của Đề án 549 đã kết thúc, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổng kết quá trình thực hiện Đề án và báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp kết quả cũng như các nội dung chưa đạt được theo mục tiêu của Đề án, nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Từ khi kết thúc Đề án 549, Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp xây dựng Đề án trình Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Đề án tiếp tục xây dựng 02 trường trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, để triển khai tiếp các nội dung của Đề án 549 chưa thực hiện được và đưa ra các mục tiêu hướng tới đến năm 2030.
Đến ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1156/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đề án được chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn từ năm 2023-2025 và giai đoạn từ năm 2026-2030. Đề án đã nêu rõ mục tiêu tổng quan cũng như các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn thể đối với từng lĩnh vực: (1) Về đào tạo, (2) Về nghiên cứu khoa học, (3) Về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng, (4) Về nhân lực và tổ chức bộ máy, (5) Về hợp tác trong nước và quốc tế và (6)Về cơ sở vật chất và công nghệ thông tin.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, trước yêu cầu cấp bách hiện nay là phải xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật, nhất là đội ngũ có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trong đó đề cao quyền hạn, trách nhiệm nghề nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội. Do vậy, công tác đào tạo luật phải được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, các đối tác nước ngoài có xu hướng lựa chọn các cơ sở đào tạo luật lớn có uy tín và kinh nghiệm trong trao đổi, hợp tác về học thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo với nước ngoài để hợp tác phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý. Trong khi đó, Trường Đại học Luật Hà Nội có đội ngũ các nhà khoa học được đào tạo bài bản ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Đức, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản có trình độ cao… Trong bối cảnh như trên, Đề án 549 đã giúp cho Trường Đại học Luật Hà Nội có cơ hội tốt để tập trung nâng cao chất lượng trên mọi mặt công tác và được nhà nước quan tâm đầu tư cơ hội phát triển. Dựa trên những kết quả đạt được của Đề án 549, Đề án 1156 tiếp tục đưa ra các mục tiêu chưa hoàn thành tại Đề án 549 và tiếp tục xây dựng mục tiêu ở giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030 tạo đà phát triển tiếp cho Trường Đại học Luật Hà Nội. TS. Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc ban hành Đề án 549 và tiếp đó là Đề án 1156 đã thể hiện sự quan tâm sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của các Bộ, Ban Ngành, đặc biệt là của Bộ Tư pháp trong việc phát triển và xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội.
TS. Chu Mạnh Hùng mong muốn rằng các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là đóng góp ý kiến, giải pháp để Trường Đại học Luật Hà Nội làm tốt hơn nhiệm vụ, sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia đào tạo cán bộ về pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và hội nhập quốc tế.
TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu chỉ đạo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tóm tắt qua báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ ngày 26/4/2019 về lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030; báo cáo Sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”; báo cáo những kết quả nổi bật, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện công tác đào tạo theo Quyết định 1156/QĐ-TTg và Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; báo cáo những kết quả nổi bật, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện công tác hợp tác quốc tế theo Quyết định 1156/QĐ-TTg và Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; báo cáo những kết quả nổi bật, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện công tác phát triển cơ sở vật chất theo Quyết định 1156/QĐ-TTg và Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Sau nghe báo cáo chuyên đề, Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến thảo luận, góp ý, ý tưởng phát triển từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ ngày 26/4/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường ghi nhận nỗ lực của Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức cán bộ đã tổng hợp các kết quả đã được thực hiện tại Đề án 1156 và Nghị quyết 54 cũng như các tồn tại, hạn chế và những đề xuất kiến nghị trong thời gian tới. Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh đề nghị lãnh đạo các đơn vị đôn đốc viên chức, người lao động thực hiện các nhiệm vụ của năm 2024, đưa các nhiệm vụ cấp thiết vào kế hoạch công tác năm 2025 để có thể bám sát mục tiêu của Đề án 1156 và Nghị quyết 54. PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh, việc tổng kết 02 năm thực hiện Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 54-NQ/BCSĐ ngày 26/4/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp có ý nghĩa quan trọng, tạo nền móng để Nhà trường chuẩn bị có 1 bước "chuyển mình" phát triển mới vượt bậc trong kỉ nguyên vươn minh của đất nước trong thời đại mới.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu kết luận Hội nghị.
Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh cũng mong rằng Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao để Nhà trường thực hiện thành công chỉ tiêu, nhiệm vụ được quy định trong Đề án 1156 và có những định hướng để tổng kết thực hiện Nghị quyết 54. Ngoài ra, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh hy vọng có thể ban hành Nghị quyết mới để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Nhà trường để phù hợp với Đề án 1156. Cùng với sự sự đồng hành của Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ có bước chuyển mình trong rõ rệt trong thời gian sắp tới, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2025 -2030.
Một số hình ảnh tại Hội nghị