“Chúc mừng 45 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội (10/11/1979 - 10/11/2024)”
Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Diễn đàn Luật học và Phát triển (LSDF) năm 2022 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trong 45 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành có liên quan, “Trường Đại học Luật Hà Nội đã phát huy nội lực để gặt hái được nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu vào năm 2030.
Đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá tư tưởng pháp lý là ba sứ mệnh trụ cột của Trường Đại học Luật Hà Nội, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, mà một trong các giải pháp là: “Phát triển nguồn nhân lực pháp luật, hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Phát triển khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật”. Từ đó có thể thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trước tiên để phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời góp phần phụng sự cộng đồng và xã hội.
Trong 45 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học pháp lý, đặc biệt từ năm 2013 đến nay, khi bắt đầu thực hiện triển khai Đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với thế mạnh đội ngũ các nhà khoa học chuyên môn sâu, đa số đang ở độ chín về năng lực, Trường dần thể hiện được vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, các nghiên cứu có tính lan tỏa trong xã hội, với nhiều kết quả nghiên cứu trực tiếp phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, có thể ứng dụng trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và hội nhập quốc tế.
Được sự quan tâm và ủng hộ của Đảng ủy, Hội đồng Trường và Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của Trường đã chủ trì khoảng 70 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và tương đương, hàng trăm đề tài cấp cơ sở cùng hàng nghìn bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Những kết quả nghiên cứu được công bố đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như trong công tác đào tạo.
Trong 5 năm gần đây, Trường đã tổ chức thành công 290 hội thảo (trong đó 26 hội thảo khoa học cấp quốc tế; 15 hội thảo khoa học trọng điểm, 85 hội thảo cấp Trường, 164 hội thảo cấp Khoa). Ngoài ra, hằng năm, Trường cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam hoặc nước ngoài. Nhiều hội thảo đã góp phần cho việc hoàn thiện các đạo luật quan trọng như Luật Thủ đô năm 2024, Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 v.v.
Hoạt động công bố quốc tế được đẩy mạnh với 137 công bố quốc tế trong những năm gần đây. Đến năm 2024, Trường đã có 12 nhóm nghiên cứu đã được thành lập và đang hoạt động rất tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực công bố quốc tế, thực hiện đề tài cấp bộ, cấp thành phố, đăng bài trên các tạp chí uy tín...
Để phục vụ đào tạo, trong 45 năm qua, Trường đã xuất bản và tái bản hơn 300 đầu giáo trình, tài liệu phục vụ các chương trình đào tạo. Từ năm 2019-2024, Trường đã in, tái bản, nối bản có sửa đổi, bổ sung 157 lượt giáo trình, tài liệu. Bộ giáo trình của Trường được người học và xã hội đánh giá cao và được tham khảo rộng rãi tại nhiều cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.
Từ năm 2017, Trường tổ chức “Tuần nghiên cứu khoa học” vào trung tuần tháng Năm hằng năm nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau 5 năm tổ chức, Tuần Nghiên cứu khoa học đã tạo được những dấu ấn nhất định trong cộng đồng học thuật. Từ năm 2021, Tuần lễ Nghiên cứu khoa học được “nâng tầm” trở thành Diễn đàn “Luật học và Phát triển” (Legal Studies for Development Forum, viết tắt là LSDF) bao gồm chuỗi các hoạt động khoa học với quy mô lớn hơn. Diễn đàn “Luật học và Phát triển” được xem là điểm nhấn, là trung tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và liên ngành với tôn chỉ “Luật học phục vụ phát triển”. Sau 3 lần tổ chức, đến nay Diễn đàn đã từng bước thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học pháp lý và xã hội với nhiều chủ đề mới và thời sự gắn với sự phát triển của đất nước.
Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo trọng điểm “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật”.
Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng lớn mạnh với các chủ đề mới, có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Trường có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học như tham gia đề tài khoa học, viết bài hội thảo, tham gia các cuộc thi, diễn đàn khoa học trong và ngoài trường. Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” hằng năm luôn là sân chơi lớn, thu hút sự tham gia của hàng trăm đề tài với các chủ đề khoa học mới và thú vị. Nhiều đề tài sinh viên gửi dự thi các cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka đã đạt giải cao.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi nghiên cứu khoa học năm 2024 và Lễ phát động cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025.
Trong những năm qua, Trường tiếp tục nỗ lực đa dạng hoá các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương để phát huy thế mạnh nguồn nhân lực trong nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội với vai trò dẫn dắt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài đã được các địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu… đặt hàng thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn, cấp bách của địa phương./.