"Chúc mừng 45 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội (10/11/1979 - 10/11/2024)"
Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập ngày 10/11/1979 và từ năm học 1984-1985, Trường bắt đầu tiếp nhận lưu học sinh Lào đến học tập tại Trường đánh dấu những hoạt động hợp tác quốc tế đầu tiên của Trường Đại học Luật Hà Nội. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế.
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đón tiếp Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Cu-ba Oscar Manuel Silvera Martínez đến thăm và làm việc tại Trường.
Thứ nhất, Trường đã chú trọng đến việc phát triển quan hệ đối tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật học của nhiều quốc gia trên thế giới, đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ, ngành Tư pháp. Tính đến nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với khoảng gần 50 đối tác nước ngoài trong đó phần lớn là cơ sở đào tạo luật có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Washington, Hoa Kỳ ngày 5 tháng 12 năm 2022.
Thứ hai, Trường đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài. Hàng năm, trên cơ sở các Thỏa thuận, Bản ghi nhớ hợp tác đã kí kết và việc trao đổi cụ thể với đối tác, Trường xây dựng các kế hoạch chi tiết thực hiện và tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện nội dung các kế hoạch này. Với cách thức như vậy, các hoạt động hợp tác quốc tế như trao đổi đoàn công tác, trao đổi giảng viên, sinh viên, đồng tổ chức hội thảo, toạ đàm khoa học đã diễn ra đều đặn, ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia.
Hội thảo khoa học về luật so sánh ứng dụng do Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Lund, Thuỵ Điển đồng tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thứ ba, Trường đã và đang triển khai thành công nhiều Dự án do các đối tác nước ngoài tài trợ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, từng bước nâng cao năng lực của Trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như thực hiện các công việc quản lý của Nhà trường. Một số Dự án tiêu biểu mà Trường đã và đang thực hiện phải kể đến: (i) Dự án "Đào tạo lại đội ngũ cán bộ pháp luật cho Chính phủ Việt Nam" do Ngân hàng Phát triển Châu Á trợ giúp (1998-2001); (ii) Dự án "Tăng cường công tác đào tạo luật tại Việt Nam" do Chính phủ Thụy Điển trợ giúp thông qua Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế của Thụy Điển (1998-2012); (iii) Dự án “Hỗ trợ thực thi pháp luật hội nhập kinh tế” do USAID tài trợ (từ năm 2009-2011); (iv) Dự án “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu luật thương mại quốc tế cho các cơ sở đào tạo luật, cơ quan nhà nước, các nhà thực hành luật và các doanh nghiệp ở Việt Nam” do EU tài trợ (2009-2012); (v) Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp” (Dự án EU-JULE) về xây dựng môn học “Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật” trong chương trình đào tạo của nhân luật của Trường do UNDP tài trợ.
Thứ tư, đến nay Trường đã thực hiện khá hiệu quả chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên với các đối tác nước ngoài, tiêu biểu là: (i) Chương trình trao đổi sinh viên dài hạn (học kỳ trao đổi) được thực hiện với các đối tác có uy tín như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Quốc lập Đài Loan (Trung Quốc), Đại học Nagoya (Nhật Bản), Đại học Luật Taskent (Uzbekistan), Đại học Quốc gia Á - Âu mang tên Gumiliov (Kazakhstan)…; (ii) Chương trình trao đổi ngắn hạn (khóa học mùa hè, mùa xuân), giao lưu trao đổi văn hóa dành cho sinh viên với Đại học Giessen (CHLB Đức), Học viện Tổng thống (Liên bang Nga), Đại học Jindal (Ấn Độ), Đại học Quốc lập Đài Loan (Trung Quốc)…; (iii) Các chương trình nghiên cứu dành cho giảng viên của Trường tại Viện pháp luật châu Á (Singapore), Trung tâm trao đổi pháp luật châu Á Đại học Nagoya (Nhật Bản), Đại học Jindal (Ấn Độ), Đại học Washington (Hoa Kỳ)…
Thứ năm, tính quốc tế trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực hoạt động khác của Trường ngày càng thể hiện rõ nét:
- Hàng năm Trường đều tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Trường theo các trình độ và loại hình đào tạo khác nhau. Ngoài số sinh viên đến từ các nước truyền thống là Lào và Căm-pu-chia, đã có sinh viên của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đến học trong các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Đặc biệt, Trường đã tổ chức khoá học ngắn hạn Giới thiệu hệ thống pháp luật Việt Nam bằng tiếng Anh cho các giảng viên, sinh viên của nhiều cơ sở đào tạo luật nước ngoài như: Đại học San Francisco, Đại học Akron, Đại học Chicago (Hoa Kỳ); Đại học Newcastle (Úc); Đại học Waikato (New Zealand); Đại học Vân Nam (Trung Quốc)…
- Các giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu tại Trường dưới nhiều hình thức khác nhau ở cả bậc đại học và sau đại học ngày càng gia tăng.
- Với sự có mặt của hai trung tâm nghiên cứu và giảng dạy pháp luật nước ngoài tại Trường là Trung tâm đào tạo và nghiên cứu pháp luật Nhật Bản của Đại học Nagoya, Nhật Bản và Trung tâm pháp luật Đức do FES tài trợ, các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của Trường có sự tham gia tích cực của các chuyên gia pháp luật nước ngoài đến từ Nhật Bản, CHLB Đức và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
- Tạp chí Luật học của Trường đã có sự đóng góp của nhiều học giả nước ngoài đến từ CHLB Đức, Anh quốc, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Thụy Điển…
- Nhiều giảng viên của Trường đã tham gia vào các hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức ở nước ngoài và số lượng các công bố quốc tế dưới dạng sách tham khảo, sách hướng dẫn, bài báo khoa học trên các tạp chí khoa hoc có uy tín quốc tế đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
- Sinh viên của Trường đã tích cực tham gia vào các cuộc thi tranh tụng quốc tế để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực và bước đầu có nhiều thành tích đáng hoan nghênh.
Cuộc thi Hòa giải quốc tế Singapore đã diễn ra vào tối ngày 5/8/2019 tại Khách sạn InterContinental, Singapore. Đội tuyển của Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt Huy chương Vàng cho hạng mục Hòa giải viên (Mediator) và Huy chương Bạc cho hạng mục Luật sư biện hộ (Mediation Advocacy).
Thứ sáu, Trường đã có nhiều nỗ lực trong việc quốc tế hóa chương trình đào tạo. Ở giai đoạn trước, Trường đã có có một số chương trình liên kết đào tạo ở bậc sau đại học với các cơ sở đào tạo luật có uy tín của nước ngoài (Đại học Lund, Thuỵ Điển, Đại học Paris II, Cộng hoà Pháp, Đại học Tây Anh quốc, Vương quốc Anh). Trường đang triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao ngành luật trong đó 20% số môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh và chương trình đào tạo cử nhân luật thương mại quốc tế có nhiều môn học được giảng dạy, nghiên cứu trực tiếp bằng tiếng Anh, thu hút sự tham gia của các giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu tại Trường./.
GS. Murakami Masako - Giám đốc của Trung tâm Trao đổi Pháp luật Châu Á (CALE) tại Đại học Nagoya, Nhật Bản. “Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập của Trường Đại học Luật Hà Nội, Tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Trường Đại học Luật Hà Nội. Tôi xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu của Trường trong 45 năm qua và tự hào là đối tác hợp tác bền vững trong suốt thời gian vừa qua. Trên hết, một phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác bền vững chính là việc thành lập Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu luật Nhật Bản (viết tắt là CJLV), đặt tại Trường Đại học Luật từ năm 2007. Tính đến tháng 10 năm 2024, Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu pháp luật Nhật Bản đã có 143 sinh viên tốt nghiệp. Tôi xin gửi lời cảm chân thành đến sự ủng hộ của Trường Đại học Luật Hà Nội đối với Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu pháp luật Nhật Bản.” |