|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. |
(PLVN) - Trong 45 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan, phát huy tinh thần đoàn kết của các thế hệ thầy và trò, Trường Đại học Luật Hà Nội đã luôn nỗ lực đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có nhiều đóng góp quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu, truyền bá pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
-Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. 10 năm qua cũng là chặng đường ghi nhận nhiều thành tích trong tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Luật Hà Nội. Với vai trò là Thứ trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội, Thứ trưởng có thể đánh giá một số thành tựu nổi bật của Nhà trường trong 10 năm qua?
Ngày 04 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Thực hiện Đề án 549, từ năm 2013 đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc với thể chế ngày càng hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, không ngừng khẳng định vị trí của cơ sở đào tạo hàng đầu và vai trò dẫn dắt trong mạng lưới cơ sở đào tạo luật của Việt Nam.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong 10 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tập trung, ưu tiên cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), hệ thống thể chế của Nhà trường từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động, hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy của Trường tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo và phát huy quyền tự chủ và phù hợp với mô hình quản trị đại học hiện đại. Hội đồng trường được thành lập năm 2019 và ngày càng hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng quản trị, đại diện quyền của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường được ban hành mới, cùng với hệ thống thể chế nội bộ trong các lĩnh vực với hơn 100 văn bản được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với các quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Tư pháp, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các thiết chế, các đơn vị, tổ chức trong Trường.
Số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường ngày càng được nâng cao, đảm bảo cơ cấu hợp lý, đặc biệt số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 55%, số lượng giảng viên cao cấp, giảng viên chính cũng tăng đáng kể so với giai đoạn 10 năm trước. Đội ngũ giảng viên của Trường được đánh giá là có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức thực tiễn, khả năng hội nhập, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, có ảnh hưởng trong lĩnh vực khoa học pháp lý của đất nước.
Điều này đóng góp quan trọng cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, chuyên môn đào tạo, nghiên cứu của Trường, góp phần quan trọng duy trì, phát triển vị thế của Trường ở trong nước và quốc tế.
Về hoạt động đào tạo
Quy mô đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội không ngừng được mở rộng song song với việc tập trung cho chất lượng đào tạo. Đến nay, tổng quy mô đào tạo của Trường là gần 17.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh, tăng 11% so với năm 2013, lớn nhất trong các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay và phát triển theo hướng tăng đào tạo trình độ đại học hệ chính quy văn bằng 1 và văn bằng 2, giảm đào tạo hình thức vừa làm vừa học, tăng đào tạo chương trình ngành Luật chất lượng cao và chương trình liên kết với nước ngoài.
Trường đã mở mới nhiều mã ngành đào tạo là Luật Kinh tế từ năm 2012, Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh pháp lý) từ năm 2014, thí điểm đào tạo mã ngành Luật Thương mại quốc tế từ năm 2011; triển khai chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Luật, chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật cho cán bộ pháp chế các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và doanh nghiệp nhà nước.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022. |
Trong 10 năm qua, Trường đã đào tạo và phối hợp đào tạo và cấp bằng thạc sĩ luật học cho 3.200 học viên cao học, cấp bằng tiến sĩ là 230 người, trong đó có gần 150 học viên cao học và nghiên cứu sinh đến từ Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... trên cơ sở đó góp phần thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong chính sách ngoại giao và phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Với tư cách là trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật, hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo duy nhất đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo đối với cả 08 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 07 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ theo Danh mục ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để triển khai các ngành đào tạo, đến năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội đã xây dựng và ban hành đồng bộ 21 chương trình đào tạo sau đại học.
Không chỉ là sự gia tăng về số lượng các chương trình đào tạo, nội dung và chất lượng các chương trình đào tạo cũng luôn được Trường Đại học Luật Hà Nội quan tâm. Chất lượng đào tạo được cải thiện theo từng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp hạng Khá, Giỏi, Xuất sắc cao, được các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động đánh giá cao, đặc biệt được khẳng định qua ba lần đạt Chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (năm 2009, năm 2018 và năm 2023).
Về hoạt động nghiên cứu khoa học
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang phát triển nhanh chóng, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục và kiên định mục tiêu phát triển trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường, phục vụ sự phát triển của ngành Tư pháp, của đất nước và hội nhập quốc tế. Trường đã ghi dấu ấn tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng góp thiết thực vào các sự kiện quan trọng của đất nước.
Trong 10 năm qua, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của Trường đã chủ trì 10 đề tài cấp Nhà nước, 24 đề tài cấp Bộ và tương đương, 413 đề tài cấp cơ sở. Trường Đại học Luật Hà Nội thường xuyên chủ trì tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế.
Trường cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là các hội thảo khoa học quốc tế thường niên trong khuôn khổ Diễn đàn Luật học và Phát triển, Tuần lễ pháp luật Đức hoặc trong khuôn khổ hợp tác với các trường như Trường Đại học quan hệ quốc tế Mátxcơva, Đại học Tổng hợp Vân Nam - Trung Quốc…
Trong giai đoạn 10 năm qua, Trường đã tổ chức và phối hợp tổ chức 59 hội thảo quốc tế, 11 hội thảo trọng điểm, 151 hội thảo cấp trường và 304 hội thảo cấp khoa. Trường đã có nhiều chính sách, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, công bố các công trình, bài viết trên các tạp chí khoa học, sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế với 02 sách chuyên khảo xuất bản tại nước ngoài, 12 chương sách quốc tế, 36 bài báo quốc tế có phản biện, 171 bài báo thuộc danh mục ISI/SCOPUS và khoảng 1200 bài báo thuộc danh mục Hội đồng giáo sư nhà nước.
Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng lớn mạnh với các chủ đề mới, có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” hằng năm luôn là sân chơi lớn, thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên mỗi năm với các chủ đề khoa học mới và thú vị.
Tạp chí Luật học của Trường ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là một trong những Tạp chí khoa học pháp lý hàng đầu ở Việt Nam, luôn được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm công trình cao nhất khi xét chức danh giáo sư, phó giáo sư. Các công bố khoa học trên Tạp chí là nguồn tham khảo tin cậy và có giá trị cao đối với các cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.
|
Lễ công bố Quyết định công nhận Hội đồng trường, Quyền Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. |
Nhiều nghiên cứu, ấn phẩm chuyên đề của Tạp chí là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần quan trọng cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật lớn như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai… và nhiều văn bản pháp luật khác, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.
Về hoạt động hợp tác quốc tế
Trường Đại học Luật Hà Nội luôn chú trọng đến việc phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài, tập trung vào các cơ sở đào tạo luật có uy tín của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện Trường có quan hệ hợp tác với 45 đối tác quốc tế. Với nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài, hàng năm Trường đều có các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên, phối hợp tổ chức hội thảo, toạ đàm khoa học quốc tế, trao đổi các đoàn công tác để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học.
Trường cũng đã triển khai thành công nhiều hoạt động trong khuôn khổ các Dự án do các đối tác nước ngoài tài trợ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực về đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường. Chủ trương quốc tế hoá các hoạt động của Trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là về chương trình đào tạo. Nhiều môn học được Trường giảng dạy bằng tiếng Anh, Trường đã có chương trình liên kết đào tạo song bằng cử nhân luật với Đại học Arizona, Hoa Kỳ; ngày càng có nhiều sinh viên của Trường được tham gia vào chương trình trao đổi một học kỳ với các trường đối tác; sinh viên của Trường tích cực tham gia vào các cuộc thi tranh tụng quốc tế và đã đạt được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận.
Về cơ sở vật chất
Song song với việc cải tạo, nâng cấp trụ sở số 87 Nguyễn Chí Thanh, để đáp ứng nhu cầu dạy và học, Trường Đại học Luật Hà Nội đang được đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 2019 Trường được bổ sung cơ sở Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường ngày càng hiện đại, phù hợp với vị thế của trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.
Thư viện của Trường có sự phát triển mạnh mẽ với trang thiết bị được đầu tư hiện đại như hệ thống mượn trả tự động 24/7 và phần mềm KIPOS quản lý thư viện tích hợp thư viện điện tử, thư viện số và cổng thông tin. Tài nguyên thông tin của thư viện được duy trì và phát triển mạnh mẽ với 24.313 đầu sách (tăng 71% so với năm 2013); đồng thời Trường cũng đã đầu tư xây dựng thư viện số với 14.018 đầu sách, 163 sách điện tử, cùng các cơ sở dữ liệu như Heinonline, cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung của Liên Hiệp thư viện Việt Nam…
Cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoạt động phục vụ cộng đồng luôn là một trong những trọng tâm trong công tác của Nhà trường. Quy mô và hình thức của các hoạt động phục vụ cộng đồng được đẩy mạnh qua từng năm. Số lượng vụ việc tư vấn pháp luật, giảng viên tham gia làm cộng tác viên, tư vấn viên luôn đạt từ 150 vụ với hơn 200 giảng viên một năm.
Hoạt động tuyên truyền pháp luật được tổ chức thường niên thông qua hoạt động của Đoàn Thanh niên với chiến dịch Mùa hè xanh tuyên truyền pháp luật, bên cạnh đó là các đợt tuyên truyền pháp luật cao điểm liên quan đến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Đất đai… Đặc biệt Cuộc thi sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật được Bộ Tư pháp, Thành Đoàn Hà Nội và Nhà trường quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức trong những năm gần đây đã mang lại được nhiều tiếng vang.
Ngoài ra, các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, hiến máu nhân đạo, ủng hộ người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cũng thường xuyên được phát động, thu hút sự quan tâm của viên chức, người lao động, học viên, sinh viên của Nhà trường.
|
Lễ công bố nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục và Lễ khai giảng Khoá 48 trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy năm 2023. |
-Nhằm tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1156/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra cho Trường Đại học Luật Hà Nội trong những năm tới?
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, thực hiện Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp xác định luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển Nhà trường, tập trung ưu tiên các nguồn nhân lực, vật lực để đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội có chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật hàng đầu và là trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Để đạt được những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra, Trường Đại học Luật Hà Nội cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, tổ chức bộ máy của Trường tinh gọn, nâng cao năng lực tự chủ; có chính sách khuyến khích, trọng dụng phù hợp để thu hút và ngày càng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đào tạo, tiếp tục duy trì vị thế là cơ sở hàng đầu Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật. Tiếp tục phát triển, đa dạng chương trình đào tạo, các phương thức đào tạo, tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên trong quá trình đào tạo đảm bảo các tiêu chí về đánh giá chất lượng đào tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất về chất lượng, từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế.
Phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ; tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đa dạng hoá chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo gồm đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Quy mô đào tạo hệ chính quy văn bằng 1, văn bằng 2, thạc sĩ, tiến sĩ của Trường tăng 10%/năm, trong đó chú trọng các chương trình chất lượng cao, trình độ thạc sĩ tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực pháp luật phục vụ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Bồi dưỡng, rèn luyện năng lực, bản lĩnh cho sinh viên để sẵn sàng trở thành cán bộ, đảng viên theo tinh thần 7 “dám”: "Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".
Trong nghiên cứu khoa học, tiếp tục duy trì vị thế cơ sở đào tạo luật hàng đầu, mang tính dẫn dắt trong hệ thống cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học pháp lý gắn với tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật; chú trọng nghiên cứu cơ bản có chiều sâu, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng; tăng cường chất lượng và số lượng các sản phẩm khoa học và công bố quốc tế; phát triển các nhóm nghiên cứu; nâng cao khả năng tự chủ, hợp tác trong nước và quốc tế về hoạt động khoa học và công nghệ.
Phấn đấu đến năm 2030, mỗi năm công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới thuộc danh mục WoS, Scopus; tăng cường các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài, thực hiện các đề tài cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia và xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN; Tạp chí Luật học của Trường được chỉ mục vào các hệ thống khu vực và quốc tế mà trước hết là hệ thống trích dẫn ASEAN (ACI).
Tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác mũi nhọn đại diện cho các quốc gia, khu vực trên thế giới theo phương châm hợp tác hiệu quả trên cơ sở thế mạnh của từng đối tác và nhu cầu phát triển của Nhà trường. Tập trung nguồn lực để nâng cao tính quốc tế trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đối tác; thiết kế các khóa học ngắn hạn về pháp luật Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Anh thu hút người học nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu hệ thống pháp luật Việt Nam.
|
Hội thảo khoa học trọng điểm “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024. |
Xây dựng năng lực, kỹ năng hợp tác quốc tế cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tận dụng ưu thế và khả năng của sinh viên Trường trong việc tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh và thương hiệu “Trường Đại học luật Hà Nội” với các đối tác nước ngoài, xây dựng uy tín, vị thế của Trường trong các cơ sở đào tạo luật trong khu vực và thế giới.
Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Luật Hà Nội cần ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; hoàn thành đầu tư xây dựng Cơ sở 2 tại Bắc Ninh theo kế hoạch để đưa vào sử dụng trong năm 2025; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động quản lý, điều hành; đầu tư cho việc số hoá giáo trình, tài liệu, phát triển thư viện số, học liệu điện tử phục vụ việc tra cứu của giảng viên, sinh viên và chia sẻ nguồn tài nguyên dữ liệu số với các cơ quan, bộ ngành ở trung ương, địa phương, trong đó chú trọng, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật các nước ASEAN và hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong chặng đường 45 năm hình thành và phát triển là tiền đề quan trọng để Trường Đại học Luật Hà Nội nhất trí, đồng lòng tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó, xứng đáng với Sứ mệnh cao cả “đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm khoa học pháp lý có chất lượng cao và truyền bá pháp lý phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế”.
-Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Nguồn báo Pháp luật Việt Nam