Trường Đại học Luật Hà Nội - Chất lượng cao tạo nên giá trị bền vững

Đăng vào 07/11/2024

Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở thống nhất Trường Cao đẳng Pháp lý với Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời kỳ đầu, Trường có tên là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Ngày 06/7/1993, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Luật Hà Nội. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Luật Hà Nội hiện nay là cơ sở đào tạo luật có chất lượng và uy tín hàng đầu tại Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Trường Đại học Luật Hà Nội là trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp, chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp, sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự quản lý nhà nước về hành chính lãnh thổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội. Các tổ chức chính trị - xã hội trong Trường Đại học Luật Hà Nội là các tổ chức cơ sở trực thuộc hệ thống của các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội.

Năm 1979, Nhà trường chỉ có Ban Giám hiệu và 13 đơn vị trực thuộc bao gồm: 05 Khoa và 08 Phòng. Đến nay, cơ cấu tổ chức của Trường đã phát triển mạnh mẽ, hoàn thiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học gồm: Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, 26 đơn vị thuộc Trường và Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh các đơn vị có mặt từ ngày đầu thành lập Trường, đã có một số đơn vị được thành lập và phát triển thành đơn vị độc lập sau này, qua đó, đánh dấu sự mở rộng, phát triển của Trường trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tính đến tháng 10/2024, Trường Đại học Luật Hà Nội tự hào có 552 viên chức và người lao động làm việc theo các loại hợp đồng. Về trình độ, Trường sở hữu đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu khoa học đông đảo nhất, có bề dày kinh nghiệm và trình độ cao hàng đầu trong số hơn 100 cơ sở đào tạo luật hiện nay với 02 Giáo sư, 30 Phó Giáo sư, 122 Tiến sĩ. Nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu khoa học của Trường là những tên tuổi uy tín trong các lĩnh vực khoa học pháp lý chuyên sâu. Ngoài ra, Nhà trường còn có đội ngũ hơn 329 giảng viên và chuyên gia thực tiễn trong và ngoài nước thường xuyên tham gia hợp tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chất lượng đào tạo luôn được Nhà trường quan tâm, đặt lên hàng đầu

Về đào tạo đại học, hiện nay, Trường đang tổ chức đào tạo 08 chương trình đào tạo trình độ đại học bao gồm ngành Luật, Luật Chất lượng cao, Luật liên kết với Đại học Arizona, Luật Kinh tế, Luật Kinh tế Chất lượng cao, Luật Thương mại quốc tế, Luật dành cho cán bộ pháp chế, Ngôn ngữ Anh với tổng quy mô đào tạo trên 14 ngàn sinh viên, học viên. Chương trình đào tạo của Trường đã được cải tiến toàn diện từ phương thức đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chú trọng các môn học liên quan mật thiết đến hoạt động tư pháp. Nội dung các môn học đã tăng cường tính thực hành, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, đẩy mạnh việc trang bị trải nghiệm thực tế cho sinh viên thông qua diễn án. Bên cạnh đó, nhiều môn học trong chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh, phù hợp với phương châm hội nhập của chương trình đào tạo. Tính đến nay, Trường đã đào tạo được 49 khóa cử nhân văn bằng 1 chính quy, 23 khóa cử nhân văn bằng 2 chính quy, 23 khóa cử nhân vừa học vừa làm văn bằng 2 tại Trường và hàng trăm các lớp, khóa đào tạo vừa làm vừa học tại các địa phương với tổng số sinh viên cử nhân luật tốt nghiệp khoảng 140 ngàn người. Trong những năm gần đây, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo văn bằng 1 chính quy của Trường luôn đạt từ 80% đến 85%.

Về đào tạo Thạc sĩ, hiện Trường đang thực hiện 14 chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ theo cả định hướng nghiên cứu và ứng dụng và 07 chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ. Cho đến nay trường đã đào tạo 32 khóa Thạc sĩ, 30 khóa nghiên cứu sinh. Đã cấp bằng tốt nghiệp cho 4742 Thạc sĩ, 338 Tiến sĩ. Với bề dày năng lực đào tạo hiện có, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở hiện đang duy trình số lượng các ngành đào tạo ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ nhiều nhất so với các cơ sở đào tạo khác của cả nước.

Nhiều người trong số đó đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp hay trở thành các doanh nhân thành đạt.

Hướng tới khẩu hiệu “Chất lượng cao tạo nên giá trị bền vững”, ngay từ những năm đầu tiên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo, Trường đã tích cực tham gia đợt kiểm định và đánh giá. Từ năm 2017 đến năm 2023, Trường đã 03 lần được kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các chương trình đào tạo của Nhà trường luôn được định kỳ rà soát, cập nhật và tiến hành kiểm định. Năm 2023, trường cũng đã thực hiện kiểm định xong 04 chương trình đào tạo cử nhân (ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, ngành Luật chất lượng cao, ngành Luật Thương mại quốc tế). Năm 2024, trường cũng đã hoàn thành kiểm định đối với 07 chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu. Với chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và trong Kế hoạch thực hiện đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm, Trường xác định tham gia vào các bảng xếp hạng đại học trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới có thứ hạng cao trong khu vực châu Á.

Luôn tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, thể hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý

Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng là ba sứ mệnh trụ cột của Trường Đại học Luật Hà Nội, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trước tiên để phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời góp phần phụng sự cộng đồng và xã hội. Trong gần 45 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học pháp lý, đặc biệt từ năm 2013 đến nay, khi bắt đầu thực hiện triển khai Đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay là Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022. Với thế mạnh đội ngũ các nhà khoa học chuyên môn sâu, đa số đang ở độ chín về năng lực, Trường dần thể hiện được vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, các nghiên cứu có tính lan tỏa trong xã hội, với nhiều kết quả nghiên cứu trực tiếp phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có thể ứng dụng trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đổi mới quan điểm tiếp cận, Nhà trường đã xây dựng và phát triển mô hình nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực, kết hợp giữa Trường với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, và liên kết đối tác trong nước và quốc tế.

Số lượng đề tài khoa học các cấp của Trường Đại học Luật Hà Nội đã có nhiều khởi sắc cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 10 năm (2015 - 2024), Trường đã thực hiện thành công 11 đề tài, đề án cấp Nhà nước và 24 đề tài/ đề án khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố. Từ năm 2021 đến nay, Trường đã thành lập được 12 nhóm nghiên cứu với các hướng nghiên cứu khác nhau, công bố được nhiều kết quả nghiên cứu, từng bước khẳng định vị thế tiên phong của Trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý. Mỗi năm, Trường đều chủ trì hoặc đồng chủ trì tổ chức khoảng 55 hội thảo các cấp để đóng góp vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó nhiều hội thảo thu hút sự chú ý của các cơ quan hoạch định chính sách và công luận, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội như hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (năm 2023), Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (năm 2023), Hội thảo quốc tế góp ý về chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam (năm 2021)...

Giảng viên của Nhà trường cũng đã công bố nhiều công trình nghiên cứu có uy tín trên các ấn phẩm khoa học trong nước và quốc tế. Trung bình hàng năm, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong nước đạt khoảng 300 bài, cùng với số lượng sách xuất bản khoảng 20 đầu sách, khẳng định chất lượng và sự đa dạng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường. Bên cạnh đó, công bố quốc tế được khuyến khích và đẩy mạnh trong những năm gần đây. Trong 05 năm gần đây, Trường đã có khoảng 160 công bố quốc tế, trong đó có hơn 60 công bố trên các Tạp chí ISI/SCOPUS hoặc các tạp chí thuộc Top 500 trường đại học tốt nhất thế giới, hơn 60 công bố trên các tạp chí nước ngoài có phản biện độc lập, 16 chương sách quốc tế, 02 sách chuyên khảo và 11 báo cáo hội thảo tổ chức ở nước ngoài. Riêng trong năm 2024 (tính đến tháng 11/2024), Trường tự hào có 39 công bố quốc tế, bao gồm 23 công bố trên các Tạp chí ISI, SCOPUS, THE, 11 công bố trên các tạp chí có phản biện ở nước ngoài, 02 chương sách và 03 báo cáo hội thảo tổ chức ở nước ngoài.

Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” được tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên các khóa chính quy và văn bằng 2 với số lượng đề tài và sinh viên dự thi tăng đều đặn hằng năm, ví dụ năm 2024 có 280 đề tài với 799 sinh viên, học viên dự thi. Chủ đề nghiên cứu có nhiều tính mới, tính sáng tạo, chất lượng bài thi đạt giải luôn được đánh giá cao, trong đó có những đề tài đã đạt giải thưởng cấp Bộ hoặc tương đương. Đặc biệt, sinh viên của Trường đã gặt hái nhiều thành tích cao trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (Spirit of Law) và các cuộc thi phiên tòa giả định khu vực, đồng thời bắt đầu ghi dấu ấn trong các sân chơi học thuật quốc tế.

Những thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội mà còn là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ cho toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong hành trình chinh phục những đỉnh cao mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu vào năm 2030 như Chiến lược phát triển Trường đã xác định.

Tạp chí Luật học của Trường được thành lập đến nay cũng vừa tròn 30 năm, đã trở thành tạp chí khoa học uy tín trong số ít Tạp chí ngành Luật trong nước có điểm cao nhất theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng giáo sư nhà nước. Tính từ số tạp chí đầu tiên ra mắt bạn đọc đến nay, Tạp chí Luật học đã xuất bản và phát hành phục vụ bạn đọc 292 ấn phẩm định kì và 28 đặc san, số đặc biệt với tổng số 3.249 bài báo khoa học của gần 1.000 tác giả trong và ngoài nước. Bên cạnh phiên bản tiếng Việt, từ năm 2023, Tạp chí đã có phiên bản tiếng Anh góp phần gia tăng thương hiệu và uy tín khoa học của Trường. Tạp chí Luật học không những là cơ sở dữ liệu tham khảo, trích dẫn cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Nội, là diễn đàn trao đổi học thuật uy tín trong nghiên cứu khoa học pháp lý, mà còn có những đóng góp tích cực trong các hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, phản biện chính sách, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa vị thế và tầm ảnh hưởng của Tạp chí Luật học, ngày 15/6/2023, Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-ĐHLHN phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tạp chí Luật học, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Tạp chí theo hướng tăng cường tính chuyên môn, chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng của Tạp chí, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tạp chí khoa học luật có uy tín tiên phong hội nhập với khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, học liệu

Trường Đại học Luật Hà Nội tự hào sở hữu một hệ thống giáo trình và nguồn học liệu về luật học vô cùng phong phú và đa dạng. Qua bề dày 45 lịch sử hình thành và phát triển, Nhà trường đã xây dựng được hệ thống giáo trình phong phú nhất trong số các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, với hơn 500 đầu sách. Thư viện của Trường có nguồn tài liệu vô cùng phong phú với hơn 25.000 tên tài liệu trên   195.000 cuốn thường xuyên được cập nhật mới qua các năm để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và người học. Những năm gần đây, Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển thư viện số. Thư viện số của Trường hiện gồm hơn 14 ngàn tài liệu và người dùng được cấp tài khoản để có thể truy cập và sử dụng tài liệu ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, Trường còn phát triển các nguồn tài liệu điện tử rất giá trị như: quyền truy cập cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến Heinonline - một trong những cơ sở dữ liệu khoa học pháp lý lớn nhất thế giới, mua chung Cơ sở dữ liệu Proquest Central năm 2024, Trường cũng đã bổ sung tới 163 tài liệu điện tử ngoại văn. Trong quá trình phát triển hợp tác trong nước và quốc tế, Nhà trường luôn quan tâm phát triển hợp tác phát triển nguồn tài liệu thư viện, đến nay Trường đã mở rộng kết nối với 08 thư viện đại học ở Việt Nam.

Không ngừng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ người học

Sau 45 năm hình thành và phát triển, từ những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ và 2 gian nhà kho tạm bợ, xa trung tâm thành phố dẫn đến việc đi lại bất tiện và khó khăn, đến nay, Nhà trường đã vươn lên mạnh mẽ với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Trụ sở chính tại 87 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội với tổng diện tích là 1,4 ha và trên 36.000 m² sàn xây dựng.

Trong những năm vừa qua, Nhà trường luôn quan tâm không ngừng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ người học, ví dụ như xây dựng phòng diễn án, tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm không gian và quy trình tố tụng thực tế, cải tạo khu vực công cộng, lắp điều hòa các phòng học .v.v. Thư viện hiện đại với khối lượng sách tham khảo chuyên ngành luật phong phú và đa dạng, cùng nhiều đầu sách và nguồn tài liệu quý, phục vụ tốt cho việc học tập, nghiên cứu và thi cử của sinh viên.

Năm 2019, Phân hiệu của Trường được thành lập tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột trực thuộc Bộ Tư pháp. Với diện tích 9,8 ha và trên 24.000 m2 sàn xây dựng, đây là sự bổ sung đáng kể cho cơ sở vật chất của Trường.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng Cơ sở II của Trường tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh theo Quyết định số 1069/QĐ-TTg ngày 16/6/2016 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Trường Đại học Luật Hà Nội”, tiếp tục nâng cơ sở vật chất của Trường lên một tầm cao mới được thiết kế tổng thể đồng bộ, hiện đại, bao gồm giảng đường, thư viện, ký túc xá, khu thể thao, nhà ăn, khu vực y tế... Tổng diện tích của Cơ sở II lên tới gần 28 ha và diện tích xây dựng lên tới 93.000 m2 dự kiến hoàn thành xây dựng giai đoạn I vào năm 2025. Khi đi vào hoạt động, người học của Trường sẽ có thêm điều kiện để được đào tạo, phát triển toàn diện, không chỉ về kiến thức chuyên môn luật mà còn về văn hóa, thể thao, kỹ năng mềm.

Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế giúp sinh viên của Trường có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tiễn, từ đó, gia tăng cơ hội có việc làm sau tốt nghiệp

Sau 45 năm xây dựng và duy trì, tính tới thời điểm hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội tự hào có mạng lưới hợp tác rộng khắp các châu lục. Nhà trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu và tổ chức khác của các nước trên thế giới.

Hiện nay, Nhà trường đã ký kết và thực hiện gần 50 thỏa thuận hợp tác với các cơ sở đào tạo luật lớn trên thế giới, như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Quốc lập Đài Loan, Đại học Nagoya - Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh - Trung Quốc, Đại học Lund - Thụy Điển... Trung tâm Pháp luật Đức và Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Pháp luật Nhật Bản tại Trường đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc kết nối, tổ chức các sự kiện khoa học, đào tạo. Những trung tâm này đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong đào tạo luật giữa Việt Nam với Đức và Nhật Bản, khẳng định vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội trên trường quốc tế.

Về hợp tác trong nước, hiện Nhà trường có 08 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước. Phạm vi đối tác của Trường hết sức phong phú, từ các cơ sở đào tạo luật lớn của Việt Nam như Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Quốc tế Sài Gòn; Đại học Hà Nội… đến các đơn vị nghiên cứu, các đơn vị hoạt động thực tiễn có uy tín hàng đầu trong các lĩnh vực như Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam… Trường Đại học Luật Hà Nội cũng là một trong số các thành viên sáng lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam, mạng lưới rộng lớn với hơn 100 cơ sở đào tạo luật trải rộng trên khắp các vùng, miền của cả nước. Phạm vi hợp tác trong nước rộng rãi của Trường không chỉ hỗ trợ hiệu quả công tác đào tạo mà còn giúp sinh viên của trường cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tiễn, từ đó gia tăng cơ hội có việc làm sau tốt nghiệp.

Khẳng định tinh thần trách nhiệm với cộng đồng

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn xác định trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng và điều đó đã trở thành một truyền thống tích cực của các thế hệ giảng viên, sinh viên. Hàng trăm các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội, quảng bá và gắn kết cộng đồng được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những chương trình tình nguyện Mùa hè Xanh, Đông ấm, các hoạt động hiến máu nhân đạo, nuôi mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, hướng về biển đảo, vì Trường Sa thân yêu, ủng hộ đồng bào miền Nam trong đại dịch Covid… những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa luôn được Thầy/Cô giáo và các bạn sinh viên hưởng ứng sôi nổi, nhiệt thành. Nơi nào sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Luật Hà Nội có mặt, nơi ấy để lại những dấu ấn tình cảm mến thương, gắn bó và hình ảnh tốt đẹp về ngôi trường đào tạo luật tưởng chừng như khô cứng nhưng vô cùng ấm áp, nhân văn. Giảng viên, sinh viên của Trường tích cực tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng, các hoạt động chuyển giao kiến thức khoa học để ứng dụng phục vụ phát triển chung. Những hoạt động này góp phần không nhỏ trong chuyển hóa nhận thức pháp luật cho người dân, và góp phần khẳng định thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của Nhà trường.  

Với những thành tựu đã đạt được, Trường Đại học Luật Hà Nội đã vinh dự được đón nhận nhiều hình thức khen thưởng cao từ các cấp có thẩm quyền như: Huân chương độc lập hạng Nhì, Huân chương độc lập hạng Ba, 02 lần vinh dự đón nhận Huân Chương lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Cờ thi đua ngành Tư pháp; Huân chương Hữu nghị của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…

Theo Minh Trí - Tạp chí Dân chủ và Pháp luật