Sáng 30/12/2024, Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TƯ ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các đại biểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TƯ ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; đồng chí Đoàn Trung Kiên, Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; đồng chí Tô Văn Hòa, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; các đồng chí trong Ban thường vụ đảng ủy, lãnh đạo Trường; các đồng chí cấp ủy các chi bộ, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội của Trường.
Đồng chí Trần Vũ Hải, thay mặt chi bộ Phòng Khoa học và Công nghệ đã trình bày những nội dung cơ bản của Nghị quyết 57-NQ/TƯ đến toàn thể hội nghị. Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 57-NQ/TƯ đó là: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Nghị quyết 57-NQ/TƯ là những chính sách lớn, hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh: Thời gian qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã từng bước ghi dấu ấn liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật từ những kết quả nghiên cứu có giá trị. Từ năm 2025, các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường cần bám sát nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TƯ trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Các chủ đề nghiên cứu cần tập trung đề xuất các giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực. Nhiều vấn đề mới về mặt pháp lý cũng cần được quan tâm nghiên cứu như phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số, kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu và các sàn giao dịch dữ liệu, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và an ninh dữ liệu v.v.. Trường tiếp tục đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo, tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao thông qua từng bước hiện đại hoá phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo.