Đánh giá kết quả thực hiện đào tạo cử nhân chất lượng cao tại Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian qua đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình này là những nội dung được bàn luận tại Hội thảo “Đào tạo cử nhân luật chất lượng cao tại Trường Đại học Luật Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” tổ chức sáng ngày 27/10/2016 tại Trường.
Tham dự Hội thảo có TS. Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng, TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng cùng các giảng viên tham gia giảng dạy chương trình và đại diện sinh viên các lớp chất lượng cao khóa 39, 40, 41. Hội thảo còn có sự tham dự, đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại thương; Công ty Luật VILAF - Hồng Đức…
Năm 2014, Trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu triển khai chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao. Đến nay, chương trình đã thực hiện được hai năm (áp dụng với 3 khóa 39, 40 và 41) với khoảng 400 sinh viên theo học. Mục tiêu của chương trình là nhằm cung cấp cho những sinh viên có nhu cầu điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học tốt nhất, qua đó nhận được chất lượng đào tạo cao nhất nhằm tăng cơ hội việc làm và phát triển hoạt động nghề nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong xu hướng hội nhập. Để thực hiện mục tiêu đó, Trường đã xây dựng chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao với sự khác biệt trong chương trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất; đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy; tạo môi trường thực hành cho sinh viên; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá; có chính sách hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp…
Tuy nhiên, là những năm đầu tiên thực hiện chương trình này, không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra với Nhà trường. Trong đó, yêu cầu đổi mới mang tính đột phá để tạo ra những dấu ấn riêng biệt cho đào tạo cử nhân luật chất lượng cao, tạo ra chương trình đào tạo có tính cạnh tranh trong xu thế tự chủ đại học là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ này, các giảng viên, đơn vị tổ chức, quản lý đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp như: rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, tăng cường các môn học kỹ năng, thực hành cho sinh viên, giảm tải các nội dung lý thuyết; tăng cường đội ngũ giảng dạy có chất lượng cao; đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, học liệu phục vụ việc dạy và học… Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm, khả năng nghiên cứu khoa học… cho sinh viên cũng được các đại biểu đề cập nhằm giúp sinh viên được đào tạo một cách toàn diện và có nhiều định hướng nghề nghiệp.
Hội thảo cũng được ghe ý kiến góp ý ông Đặng Dương Anh – Giám đốc chi nhánh VILAF – Hồng Đức Hà Nội với tư cách là đơn vị sử dụng lao động; những chia sẻ của các cơ sở đào tạo đã thực hiện chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao như: Trường Đại học kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương… và những đề xuất, nguyện vọng của sinh viên. Các góp ý tại Hội thảo mang đến cái nhìn đa chiều về chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường đồng thời đưa ra nhiều gợi mở cho công tác đổi mới và hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao của Trường Đại học Luật Hà Nội với định hướng đào tạo chất lượng cao là một trong những mũi nhọn trong công tác đào tạo của Nhà trường, đáp ứng được nhu cầu của người học và đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội./.