Quá trình hình thành và phát triển

Đăng vào 29/10/2024

     Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 đất nước ta gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn có quyết định đúng đắn, kịp thời thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội). Sự ra đời của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội là sự kiện ghi dấu ấn vô cùng quan trọng trong lịch sử xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, phát triển nền pháp luật cách mạng Việt Nam nói chung cũng như sự nghiệp đào tạo cán bộ về pháp luật của đất nước nói riêng. Trong bài phát biểu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân ngày khai giảng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, sự cần thiết của việc thành lập trường đại học đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước trong thời điểm đó đã được nhấn mạnh:

     “Sau ba mươi năm chiến tranh tàn phá đã để lại những hậu quả nặng nề, nước ta lại từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, thiên tai dồn dập gây ra nhiều thiệt hại; việc quản lý kinh tế; quản lý xã hội của ta có nhiều lúng túng, và hiện nay nhân dân ta lại đang trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa có thể xảy ra chiến tranh. Tình hình đó gây ra cho đời sống của nhân dân ta, cho tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội nhiều khó khăn. Điều đó đòi hỏi chúng ta, cùng với việc ra sức xây dựng kinh tế phát triển văn hóa, phải coi trọng công tác pháp luật, dùng pháp luật để tổ chức và quản lý xã hội, ngăn ngừa và trừng trị những hành động vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Như vậy, trong việc xây dựng khoa học pháp lý, xây dựng pháp luật và xây dựng thể chế, Trường Đại học Pháp lý có một vị trí quan trọng”.

     Quá trình thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội) được đánh dấu bởi nhiều dấu mốc quan trọng:

    - Ngày 18/6/1976, Ủy ban Pháp chế trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ Tờ trình số 204/VP-UB về việc mở Trường Đại học Pháp lý.

     - Ngày 17/7/1976, Ủy ban Pháp chế của Chính phủ đã thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Pháp chế để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp chế trong phạm vi cả nước.

    - Ngày 11/10/1977, Ủy ban Pháp chế của Chính phủ thành lập Trường Pháp lý Việt Nam trên cơ sở Trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Pháp chế để đào tạo cán bộ có trình độ trung học pháp lý.

    - Ngày 16/5/1978, Ban Bí thư có Thông báo số 07-TB/TW về việc mở Trường Đại học Pháp lý. Thực hiện thông báo này, Ban Khoa giáo Trung ương đã chỉ định một số Tiểu ban gồm đại biểu các ngành có liên quan và do Ủy ban Pháp chế của Chính phủ chủ trì để chuẩn bị Đề án mở Trường Đại học Pháp lý.

    - Ngày 22/8/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 299/CP thành lập Trường Cao đẳng Pháp lý thuộc Ủy ban Pháp chế trên cơ sở Trường Trung học Pháp lý để đào tạo cán bộ pháp lý có trình độ cao đẳng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao và nhiều hơn quản lý nhà nước bằng pháp luật.

    - Ngày 21/9/1979, đồng chí Trần Quang Huy Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế trình Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ Tờ trình số 240-PC và Đề án về việc mở Trường Đại học Pháp lý.

    - Ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 405-CP về việc thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trên cơ sở thống nhất Khoa Pháp lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lý và giao cho Ủy ban Pháp chế của Chính phủ trực tiếp quản lý. Quy mô của trường là 1.500 – 2000 sinh viên. Địa điểm của trường đặt tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình. Trường Đại học Pháp lý Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp lý có trình độ đại học và trên đại học, theo các hình thức dài hạn, ngắn hạn và tại chức, nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành, các cấp về cán bộ pháp lý. Thời gian đào tạo của mỗi khóa học tập dài hạn là bốn năm rưỡi. Cơ cấu đào tạo của Trường do Ủy ban Pháp chế của Chính phủ và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quyết định, sau khi đã bàn bạc nhất trí với các ngành có liên quan.

     Năm 1982, trên cơ sở nhu cầu đào tạo cán bộ pháp lý và theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Trưởng phòng Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định số 03/QĐ sáp nhập Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lý I vào Trường Đại học Pháp lý Hà Nội kể từ ngày 14/01/1982. Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lý I chuyển giao số học sinh các khóa III, IV đang học tại trường cho Trường Đại học Pháp lý Hà Nội để tiếp tục tổ chức dạy và học theo chương trình trung học.

     Ngày 11/10/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 182/QĐ-TC về việc hợp nhất Trường Đại học Pháp lý Hà Nội với Trường Cán bộ Tòa án tại Hà Nội thành Trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Trường Đại học Pháp lý Hà Nội gồm 2 cơ sở: Cơ sở 1 đặt ở Quận Đống Đa, Hà Nội; cơ sở 2 đặt ở Xã Duyên Thái, Huyện Thường Tín, Tỉnh Hà Sơn Bình. Hiệu bộ của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đặt trụ sở tại cơ sở 1 ở Quận Đống Đa, Hà Nội (nay là số 87 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội).

     Vào những năm 1985-1989 ở khu vực phía Nam, sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ pháp luật hoặc cán bộ pháp luật chưa có trình độ đại học đòi hỏi cần phải có cơ sở đào tạo. Do đó, ngày 25/12/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 357/CT về việc thành lập Phân hiệu Đại học Pháp lý tại Thành phố Hồ Chí Minh (Phân hiệu của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh). Sự ra đời của Phân hiệu Đại học Pháp lý tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ vai trò của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về đào tạo cán bộ pháp luật cũng như trách nhiệm của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội theo tinh thần của Quyết định số 405/CP là đào tạo cán bộ pháp lý cho cả nước. Từ đây, địa bàn và quy mô đào tạo của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đã được mở rộng. Với tính chất là Phân hiệu của cơ sở đào tạo chuyên ngành luật duy nhất (Trường Đại học Pháp lý Hà Nội) ở Việt Nam thời điểm đó nên ngay sau khi thành lập, Phân hiệu Đại học Pháp lý Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ngay công tác đào tạo, tuyển sinh và nhanh chóng vươn lên. Đây là tiền đề quan trọng để sau này Phân hiệu Đại học Pháp lý Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thành Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1996.

     Ngày 04/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp. Nghị định gồm 6 điều, theo đó, “Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thống nhất về công tác tư pháp; xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý về mặt tổ chức Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp khác được Chính phủ giao”. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Trường Đại học Pháp lý Hà Nội được đổi tên thành Trường Đại học Luật Hà Nội. Ngày 06/7/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-TC đổi tên Trường Đại học Pháp lý Hà Nội thành Trường Đại học Luật Hà Nội.

     Năm 1993, Nhà trường có thêm Khoa Chuyên tu tại chức và Khoa Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và Sau Đại học, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của quản lý đào tạo và bắt đầu đào tạo sau đại học. Khoa Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và các chức danh tư pháp của Trường là đơn vị tiền thân của Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp hiện nay. Năm 1994, Tạp chí Luật học của Trường được thành lập đã trở thành một trong các tạp chí khoa học pháp lý có uy tín cao ở Việt Nam, là diễn đàn khoa học của các nhà khoa học, các nhà giáo và luật gia.

     Tháng 2/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 310/QĐ-BGDĐT thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sự ra đời của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk là dấu mốc quan trọng của nhà trường trên con đường phát triển mạnh mẽ trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 và hiện nay là Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.

     Năm 2020, Trường Đại học Luật Hà Nội đã ban hành Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030 trong đó định hướng phát triển Trường trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

     Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn quan tâm duy trì đảm bảo chất lượng đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các cơ sở đào tạo luật trong cả nước, xứng đáng là đơn vị đi đầu trong hệ thống đào tạo Luật ở Việt Nam. Ngày 21 tháng 9 năm 2019, Trường Đại học Luật Hà Nội được gần 70 cơ sở đào tạo Luật của Việt Nam bầu là Trưởng ban điều hành mạng lưới cơ sở đào tạo luật của Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2022.

     Qua 45 năm phấn đấu không ngừng nghỉ của lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng viên, sự đồng hành, ủng hộ của sinh viên, học viên, cựu sinh viên, cựu học viên và sự chỉ đạo sát sao trực tiếp của Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phát triển khá toàn diện, vững chắc, xứng đáng là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất của cả nước, trong đó không ngừng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác tiềm năng trên thế giới nhằm tiệm cận với trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.