TOẠ ĐÀM CÔNG BỐ QUỐC TẾ

Đăng vào 23/05/2017

Trong khuôn khổ Tuần lễ nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 19/5/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm với chủ đề: Công bố quốc tế. Đây được đánh giá là một chủ đề mới, có ý nghĩa cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là khi Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ đang đem đến những cơ hội, động lực to lớn đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng như với mỗi giảng viên, nhà nghiên cứu.

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Trương Quang Vinh, TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các Khoa, đơn vị thuộc trường và đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu. Đến chia sẻ kinh nghiệm tại Toạ đàm còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có nhiều công bố quốc tế: GS.TS. Jürgen Simon – Trung tâm pháp luật Đức; PGS.TS. Shohei Sugita – Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo pháp luật Nhật Bản; GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN; PGS.TS. Lê Quốc Hội – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; PGS.TS. Nguyễn Văn Nam – Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân; bà Nguyễn Hoàng Phương – Phòng Nghiên cứu chính sách, Trung tâm Con người và thiên nhiên; TS. Nguyễn Bá Bình – Phó trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội…

 

   

 

Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung vào hai nội dung chính: Một là các cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho nghiên cứu khoa học nói chung, công bố quốc tế nói riêng; hai là kinh nghiệm công bố quốc tế các công trình khoa học (bài tạp chí, sách và kỷ yếu hội thảo khoa học).

Về nội dung thứ nhất, một số kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ, khuyến khích công bố quốc tế của các trường đại học tại CHLB Đức, Nhật Bản đã được các chuyên gia thông tin đến Tọa đàm như: Cơ chế hỗ trợ về tài chính qua các quỹ hỗ trợ nghiên cứu; chính sách tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hội thảo quốc tế; thành lập các bộ phận chuyên trách tìm kiếm các hội thảo quốc tế, đấu thầu dự án nghiên cứu,… để hướng dẫn và chia sẻ thông tin đến các giảng viên, nhà nghiên cứu… Nhiều kinh nghiệm của Trường Đại học kinh tế quốc dân cũng đã được PGS.TS. Lê Quốc Hội, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam chia sẻ như: Cơ chế khuyến khích về tài chính (thưởng tiền cho các giảng viên có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế; mức chi cao hơn cho các đề tài cấp cơ sở được thực hiện bằng tiếng Anh có kèm theo công bố quốc tế); buộc mỗi viện nghiên cứu thuộc trường phải có ít nhất 01 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuẩn ISI hoặc Scopus; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh; khuyến khích nhà khoa học tham gia các đề tài nghiên cứu của Quỹ Nafosted; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giảng viên tham gia hội thảo tại nước ngoài…

 

   

 

Làm thế nào để các công trình nghiên cứu được công bố quốc tế, nhất là công bố bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu tham dự Tọa đàm. Vấn đề này đã nhận được những chia sẻ của GS.TS. Lê Hồng Hạnh, TS. Nguyễn Bá Bình, bà Nguyễn Hoàng Phương…- những chuyên gia có nhiều công bố quốc tế. Các chuyên gia đều cho rằng công bố quốc tế là vấn đề không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và quyết tâm của mỗi nhà khoa học. Song đây cũng là cơ hội lớn để các nhà khoa học khẳng định bản thân, khẳng định và lan toả kết quả nghiên cứu của mình trên một phạm vi rộng khắp.

 

 

Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: Qua Tọa đàm đã bước đầu giúp các đại biểu có nhận thức chung về công bố quốc tế; chỉ ra những khó khăn, dự báo những thách thức đối với các cơ sở nghiên cứu, mỗi nhà nghiên cứu khi tiếp cận chuẩn công bố quốc tế; chia sẻ nhiều giải pháp cho các cơ sở đào tạo, các giảng viên trong công bố quốc tế - đây cũng là những kinh nghiệm tham khảo quý báu cho Trường Đại học Luật Hà Nội./.

 

                                                Quỳnh Hoa