HỘI THẢO KHOA HỌC: CÁC BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ HỌC NGOẠI NGỮ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Đăng vào 29/05/2017

Nhằm đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Trường Đại học Luật Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xây dựng Trường trọng điểm, sáng ngày 25/5/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Các biện pháp tạo hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

 

Đến tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Phùng Trọng Toản – Chủ tịch Hội ngôn ngữ và văn hoá Nga, Hội giảng viên tiếng Nga và văn hoá Nga của Việt Nam; ThS. Phan Hoàng Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp luật Thái Nguyên; ThS. Nguyễn Thị Minh Trang – Phó trưởng Khoa ngoại ngữ - Học viện Cảnh sát nhân dân; ThS. Đặng Thị Thanh Vân – Phó Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ; cùng các giảng viên đến từ Học viện Khoa học quân sự, Học viện Tư pháp, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Phân viện Puskin tại Hà Nội… Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có đại diện các khoa, bộ môn, cùng toàn thể các giảng viên Bộ môn Ngoại ngữ. Hội thảo do PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng chủ trì.

 

 

 

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là một yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo. Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, Đề án xây dựng Trường trọng điểm cũng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của Nhà trường là “cần tiếp tục chuẩn hoá và nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên, ưu tiên đào tạo tiếng Anh pháp lí”. Trong những năm gần đây, đào tạo ngoại ngữ tại Trường Đại học Luật Hà Nội đã  những khởi sắc nhất định như: Trường đã đào tạo nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung; trình độ ngoại ngữ của sinh viên nhìn chung được nâng cao; sinh viên đạt nhiều thành tích cao tại các cuộc thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm khoa học và văn hoá Nga tổ chức, cuộc thi Moot court bằng tiếng Anh… Tuy nhiên, theo đánh giá chung, năng lực ngoại ngữ của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có nguyên nhân sinh viên chưa hứng thú với việc học ngoại ngữ.

 

 

 

Để tìm giải pháp cho vấn đề này, các tham luận tại Hội thảo đã đánh giá một cách toàn diện thực trạng dạy và học ngoại ngữ tại Trường Đại học Luật Hà Nội, nghiên cứu các yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến hứng thú học tập ngoại ngữ của sinh viên. Trong đó cho thấy nhiều yếu tố như: trình độ, phương pháp giảng dạy của giảng viên; thiết kế chương trình môn học; các giáo trình, tài liệu, phương tiện hỗ trợ học tập; quan niệm, nhận thức về học ngoại ngữ của sinh viên đối với nghề nghiệp trong tương lai… Từ đó, các tham luận đã đưa ra ba nhóm biện pháp chính nhằm khơi gợi sự hứng thú trong học tập cho sinh viên, đó là: nhóm biện pháp đối với người dạy, nhóm biện pháp đối với người học và nhóm biện pháp đối với người quản lý. Cụ thể như: tăng thời lượng môn học ngoại ngữ; có tiến trình lồng ghép ngoại ngữ với các môn chuyên ngành; phân loại sinh viên từ đầu vào để thiết kế chương trình, phương pháp phù hợp; mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy; nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên; đa dạng phương pháp giảng dạy; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ cho giảng dạy ngoại ngữ…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm đào tạo ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo khác như: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Học viện Bưu chính viễn thông…; chia sẻ kinh nghiệm học và dạy ngoại ngữ của bản thân.

Những đề xuất, kinh nghiệm được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo là những gợi ý quan trọng để Nhà trường có những biện pháp nhằm khơi gợi hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ của Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian tới./.

 

Quỳnh Hoa