Hội thảo khoa học: Xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp

Đăng vào 16/06/2017

 

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 14/6/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp”. Tham dự Hội thảo có GS.TS. Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Anh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp; các đại biểu đến từ: Bộ Tư pháp, Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD), Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Báo Pháp luật Việt Nam… cùng đông đảo giảng viên Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, đại diện các đơn vị trong Trường. PGS.TS. Trương Quang Vinh – Phó Hiệu trưởng và TS. Đoàn Tố Uyên – Phó trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước đồng chủ trì Hội thảo.

 

 

Một bước đột phá quan trọng của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 là đã đưa quy trình xây dựng chính sách thành một quy trình bắt buộc và tách quy trình xây dựng chính sách ngoài quy trình soạn thảo nhằm khắc phục tình trạng “vừa thiết kế vừa thi công” đồng thời nâng cao chất lượng cho hoạt động lập đề nghị xây dựng VBQPPL. Theo đó, những văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện hoạt động xây dựng chính sách bao gồm: luật, pháp lệnh, một số nghị định và nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Với mục tiêu cùng làm rõ các quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 về xây dựng chính sách, đánh giá thực tiễn thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị lập pháp cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động xây dựng chính sách tại Việt Nam hiện nay, tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 6 tham luận với các chủ đề: quan niệm, vai trò của chính sách trong hoạt động lập pháp; mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật; đánh giá tác động chính sách trong quy trình lập pháp; quy trình xây dựng và thông qua chính sách đối với luật, pháp lệnh; xây dựng chính sách trong lĩnh vực đất đai; thực trạng xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay.

 

 

 

Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận, đưa ra nhiều quan điểm, cách nhìn là khái niệm chính sách và chính sách trong hoạt động lập pháp. GS.TS. Lê Minh Tâm cho rằng, chính sách là một khái niệm đa nghĩa, đa cấp độ. Do đó, nhận diện chính sách là vấn đề đặc biệt quan trọng để từ đó có thể phân tích chính sách, đưa ra giải pháp, xây dựng chính sách. TS. Lê Hồng Sơn cho rằng, chúng ta cũng không nên hiểu xây dựng chính sách là một giai đoạn hoàn toàn độc lập trong hoạt động lập pháp mà nó phải được thực hiện trong suốt quá trình xây dựng luật, cho đến khi có sản phẩm cuối cùng là các chương, điều khoản cụ thể. Ngoài ra, vấn đề xây dựng chính sách trong một số lĩnh vực cụ thể và kinh nghiệm xây dựng chính sách của một số quốc gia trên thế giới cũng được các đại biểu đề cập, thảo luận tại Hội thảo như: chính sách lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy định của Luật Tố tụng hành chính; xây dựng chính sách trong quản lý biển, đảo; chính sách hình sự áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS; kinh nghiệm phân tích chính sách trong quy trình lập pháp của Canada…

 

 

 

Các đại biểu cũng đưa ra những đánh giá ban đầu về kết quả và hạn chế của khâu xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp trong thời gian qua đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng chính sách như: luôn đặt nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật ở vị trí đặc biệt, làm xuất phát điểm của mọi hoạt động lập pháp; tăng cường tham vấn chính sách từ các nhà khoa học, nhà quản lý và sự phản biện từ người dân…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Trương Quang Vinh đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đại biểu. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, thảo luận; các bài viết được tập hợp trong Kỷ yếu Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho công tác đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường./.

 

Quỳnh Hoa