Hội thảo khoa học: Một số vấn đề về thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Đăng vào 16/06/2017

Thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học trong năm, sáng ngày 15/6/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường “Một số vấn đề về thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”.

Tới dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục  quốc tịch, hộ tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp; bà Trần Thị Thu Hiền - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên - Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; ông Lê Viết Hiểu - Chánh án Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp; ông Phan Quốc Thắng - Thanh tra viên cao cấp, cố vấn pháp luật Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng, Hà Nội; TS. Tuấn Đạo Thanh - Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội cùng các nhà khoa học đến từ Học viện tư Pháp, Trường Đại học Nội vụ và một số cơ sở đào tạo luật khác. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng, đại diện các Khoa chuyên môn, Trung tâm, Phòng, Ban cùng đông đảo các giảng viên của Khoa Pháp luật dân sự. TS. Trần Quang Huy và PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - Trưởng Khoa Pháp luật dân sự đồng chủ trì Hội thảo.

 

 

 Gần 10 báo cáo về các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật HN&GĐ năm 2014 đã được các nhà khoa học bàn luận đầy tâm huyết trong Hội thảo và nhận được sự tranh luận sôi nổi. Về nhóm các vướng mắc trong việc giải quyết việc ly hôn và chia tài sản của vợ chồng, đa số các ý kiến đều cho rằng việc áp dụng căn cứ ly hôn trong việc giải quyết ly hôn đối với trường hợp ly hôn do một bên yêu cầu có nhiều vướng mắc. Mặc dù Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định căn cứ ly hôn có kết hợp xem xét đến yếu tố lỗi của các bên nhưng lỗi chỉ được xem xét với tư cách là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Do vậy, việc vận dụng căn cứ để giải quyết ly hôn trên thực tế không đơn giản. Bà Trần Thị Thu Hiền chia sẻ: trên thực tế, khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải cân nhắc rất thận trọng để giải quyết cho các bên ly hôn, bảo đảm quyền tự do ly hôn của một bên nhưng phù hợp với quy định của pháp luật về căn cứ ly hôn. Về việc giải quyết vấn đề con chung khi cha mẹ ly hôn, các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề nổi cộm trong các vụ án ly hôn. Theo ông Lê Viết Hiểu thì tranh chấp về quyền nuôi con là vấn đề phức tạp, khi giải quyết việc giao con cho ai nuôi luôn phải đặt quyền lợi của con lên trên hết, việc xem xét nguyện vọng của con là một nội dung cần xem xét nhưng không mang tính quyết định đến việc Tòa án sẽ giao con cho cha hoặc mẹ nuôi. Hiện nay, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã được thành lập. Đây là mô hình Tòa được xây dựng theo mô hình “tư pháp thân thiện”, được kỳ vọng sẽ có cách thức bảo vệ quyền trẻ em phù hợp đối với các vụ án về hôn nhân và gia đình và người chưa thành niên, nhất là đối với việc giải quyết vấn đề con chung khi cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên, cũng theo bà Trần Thị Thu Hiền, cho đến nay, việc triển khai mô hình Tòa Gia đình và người chưa thành niên theo đúng chuẩn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề kinh phí. Đây cũng là vấn đề cần phải được khắc phục để tạo điều kiện cần thiết cho việc đảm bảo quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề có liên quan đến trẻ theo Luật trẻ em năm 2016.

 

 

 

Về chia tài sản chung của vợ chồng, các ý kiến thảo luận sôi nổi liên quan đến căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng là “hoa lợi, lợi tức” phát sinh từ tài sản riêng của một bên vợ, chồng; việc xem xét yếu tố lỗi của vợ, chồng để giải quyết chia tài sản khi vợ, chồng ly hôn; các vướng mắc phát sinh từ việc công chứng các giấy tờ có liên quan đến thỏa thuận về tài sản, chia tài sản của vợ chồng… PGS. TS. Nguyễn Văn Tuyết cho rằng: cần phải quy định một cách thống nhất cơ sở để xác định tài sản riêng của vợ, chồng đối với tài sản là “hoa lợi, lợi tức” phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng để tránh tình trạng mâu thuẫn trong cách xác định tài sản đối với một loại tài sản có cùng nguồn gốc theo quy định của Luật HN&GĐ hiện hành.

 

 

 

Đối với các vướng mắc phát sinh từ việc đăng ký hộ tịch, các báo cáo chỉ ra những vướng mắc đối với việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, xác nhận quan hệ cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính và đăng ký nuôi con nuôi. Đại diện Cục quốc tịch, hộ tịch, chứng thực, TS. Nguyễn Công Khanh đánh giá cao những phát hiện về bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện Luật HN&GĐ có liên quan đến công tác hộ tịch. Ông cho rằng, các đóng góp của Hội thảo sẽ là tư liệu quý để Cục tiếp tục xem xét, rà soát để có những đề xuất phù hợp hoàn thiện pháp luật, góp phần bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về thực hiện Luật hôn nhân và gia đình năm 2014” đã thành công tốt đẹp. Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Trần Quang Huy nhấn mạnh: Hội thảo là một diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về chuyên môn hữu ích đối với các giảng viên và các nhà khoa học. Hy vọng rằng những khuyến nghị của các nhà khoa học thực sự là những đóng góp quý báu, góp phần hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình, nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật, bảo vệ tốt các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.

 

Bùi Thị Mừng –GV Khoa Pháp luật dân sự