Hội nghị mô phỏng ASEAN Việt Nam

Đăng vào 11/08/2017

 

Hội nghị mô phỏng ASEAN Việt Nam là chương trình mô phỏng chuỗi các Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hỗ trợ về mặt chuyên môn và do Quỹ ASEAN bảo trợ lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội từ ngày 03/8 đến ngày 06/08/2017.

 

 

Lễ Khai mạc Hội nghị đã được tổ chức vào sáng ngày 04/08 với sự góp mặt của nhiều vị khách quý như PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội; bà Trần Thị Phương, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội; Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh, đại sứ trọn đời. Nguyên đại sứ Việt Nam tại Philippines và Brazil.v.v. Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có gần 70 đại biểu và 20 quan sát viên là đại diện học sinh, sinh viên của các trường phổ thông, đại học trên cả nước.

 

   

 

Với tư cách là đại diện đơn vị đồng tổ chức, TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã tham dự Lễ Khai mạc và có bài phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa to lớn về tuyên truyền, giáo dục và hành động cho ASEAN thông qua sự kiện này. Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên giảng dạy môn học Pháp luật Cộng đồng ASEAN với tư cách là môn học bắt buộc trong Chương trình đào tạo. Hội nghị mô phỏng ASEAN tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội là vinh dự cho Nhà trường, nhất là khi sự kiện này diễn ra đúng thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2017).

 

    

 

          Chủ đề của Hội nghị mô phỏng năm nay là “Tiên liệu sự di dân môi trường do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”. Đặt trong bối cảnh: “biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tổn thất và thiệt hại to lớn tại khu vực ASEAN, tác động không cân xứng đến các quốc gia đang phát triển và ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp, năng lượng và sinh kế” (Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu gửi lên Hội nghị lần thứ 21 của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), có thể thấy chủ đề của Hội nghị mô phỏng ASEAN Việt Nam 2017 là hết sức cần thiết và phù hợp với nhu cầu phát triển của ASEAN.

 

 

          Trải qua 4 ngày làm việc với 1 ngày tập huấn và 3 ngày họp (họp quan chức cấp cao, họp Hội đồng điều phối và Hội nghị Thượng đỉnh) các đại biểu đã được trực tiếp trải nghiệm tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả của các Hội nghị ASEAN từ cấp chuyên gia, bộ trưởng lên cấp cao nhất là Hội nghị Thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia. Đây không chỉ là cơ hội cho các bạn trẻ hiểu thêm về cơ chế làm việc của ASEAN mà còn là cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình đối với Cộng đồng ASEAN. “Chính các đại biểu sẽ là những đầu mối lan toả nội dung Hội nghị, nhận thức về ASEAN đến thể hệ trẻ Việt Nam; góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong khu vực như một thành viên tích cực và chủ động hội nhập. Mặc dù chỉ là Hội nghị mô phỏng, nhưng chính những thảo luận của các đại biểu trong Hội nghị này cũng có thể trở thành một nguồn tham khảo quý giá cho các nhà hoạch định chính sách vì nó thể hiện tiếng nói, suy nghĩ của thế hệ trẻ. Những ý kiến trao đổi ngày hôm nay của các em học sinh, sinh viên có thể trở thành khởi điểm cho những quyết sách trong tương lai” - TS. Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

 

Đức Việt