Toạ đàm khoa học: “Luật phá sản 2014 nhìn từ góc độ thực tiễn thi hành”

Đăng vào 25/08/2017

Ngày 16/8/2017, Bộ môn Luật thương mại đã tổ chức toạ đàm khoa học “Luật phá sản 2014 nhìn từ góc độ thực tiễn thi hành”.

Tham dự Toạ đàm có Thẩm phán Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh toà Toà kinh tế, TAND thành phố Hà Nội; Thẩm phán Nguyễn Văn Chương, thẩm phán TAND huyện Thanh Trì và các giảng viên trong khoa Pháp luật kinh tế.

 

 

Trên cơ sở bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Yến, tập thể giảng viên bộ môn Luật thương mại đã phân tích, làm rõ những vấn đề khoa học, thảo luận các vướng mắc, bất cập khi áp dụng các quy định của Luật phá sản vào thực tiễn; đưa ra một số quan điểm thống nhất về tình trạng áp dụng Luật phá sản trong thực tiễn giải quyết tại Toà. Cụ thể:

 - Số vụ việc phá sản được giải quyết tại các Toà kinh tế trên cả nước từ khi ban hành Luật phá sản 1993 đến nay rất ít, điều này được minh chứng qua con số thống kê của TAND Tối cao trong Báo cáo tổng kết công tác xét xử trong các giai đoạn và các năm. Số vụ việc phá sản được giải quyết tại Toà không phản ánh thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong cả nước hiện nay do thực tế số các doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng hoạt động là rất lớn. Thực trạng này chứng tỏ tính khả thi của Luật phá sản qua các lần ban hành, kể cả Luật phá sản năm 2014 còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả điều chỉnh trong thực tiễn.

- Nguyên nhân của thực trạng trên phần lớn xuất phát từ những quy định của Luật phá sản còn nhiều bất cập, vướng mắc. Các vướng mắc từ các Luật phá sản năm 1993, Luật phá sản năm 2004 cho đến Luật phá sản 2014 chưa được khắc phục (ví dụ: việc áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động của DN, HTX khi phá sản; việc tạm đình chỉ xử lý tài sản bảo đảm đối với chủ nợ có bảo đảm khi DN, HTX bị giải quyết phá sản...). Đồng thời, một số điểm mới của Luật phá sản năm 2014 khắc phục những bất cập của Luật cũ như: chế định về quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản (thay thế cho chế định về tổ quản lý thanh lý tài sản); thẩm quyền giải quyết hầu hết các vụ phá sản thuộc TAND cấp huyện mà không giải quyết tại cấp tỉnh như trước đây; cách tính chi phí phá sản chưa rõ ràng... dẫn đến các quy định mới khó áp dụng, chưa có cơ chế đồng bộ để thực thi.

- Giải pháp để giải quyết tình trạng trên cũng được đề xuất trong buổi Toạ đàm, cụ thể: cần có cơ chế giám sát hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản; cần thống nhất quy định của Luật phá sản và Luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định tuyên bố phá sản; cần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết phá sản; cần nâng cao nhận thức của giới kinh doanh về pháp luật phá sản...

 

 

Các giảng viên và khách mời tham dự Toạ đàm đã tham gia đóng góp các quan điểm, ý kiến xoay quanh các nhóm vấn đề trên. Nội dung của buổi toạ đàm đã đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc trong nghiên cứu và áp dụng pháp luật, đồng thời cũng mang tính gợi mở về lý luận và thực tiễn để đưa ra các hướng nghiên cứu mới cho hoạt động chuyên môn của Bộ môn trong thời gian tới./.

Nguyễn Thị Yến