Hội nghị góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học

Đăng vào 21/12/2017

Luật giáo dục đại học được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/06/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Qua 05 năm triển khai thi hành, các quy định của Luật giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống, phát huy tốt vai trò của mình trong quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và giáo dục đại học nói riêng; đặt nền móng cho tự chủ đại học, tạo môi trương pháp lý bình đẳng, toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học hoạt động và phát triển, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới; qua đó góp phần bảo đảm quyền và nghĩa vụ học tập của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế; đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi phương thức sản xuất, phương pháp quản trị, thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động, qua đó làm thay đổi mạnh cơ cấu lao động và thị trường lao động theo hướng gia tăng tỷ trọng lao động chất lượng cao, chuyên môn hóa quá trình sản xuất theo từng phân đoạn, điều này đặt ra cho giáo dục đại học của Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, Luật giáo dục đại học lại đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập có nguy cơ ảnh hưởng tới định hướng phát triển sắp tới của giáo dục đại học Việt Nam như: phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học; tự chủ đại học; hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức của các trường đại học; tài chính trong giáo dục đại học; cơ sở giáo dục đại học tư thục phi lợi nhuận… Bối cảnh đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn hiện Luật giáo dục đại học theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm gỡ bỏ các nút thắt phát triển đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tự chủ giáo dục đại học trong toàn hệ thống để các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động tối đã các nguồn lực, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đảm bảo thực hiện tốt sứ mệnh và mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

 

 

Nhằm góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sáng 18/12/2017, Hội nghị góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đã được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Trường.

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Lê Tiến Châu nói: “Với tư cách là cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật hàng đầu tại Việt Nam, với vai trò và trách nhiệm của Trường khi được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học, đồng thời thực hiện Công văn số 5443 của Bộ giáo dục và đào tạo về việc góp ý cho dự thảo Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống cơ sở giáo dục đại học nói chung, trong đó có Trường Đại học Luật Hà Nội”. Hiệu trưởng cũng đề nghị Hội nghị cần tập trung nghiên cứu thảo luận, góp ý vào bốn chính sách lớn: Chính sách 1: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ giáo dục đại học; Chính sách 2: Nâng cao năng lực quả n trị của các cơ sở giáo dục đại học; Chính sách 3: Đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế; Chính sách 4: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học”.

 

 

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các đơn vị về việc sửa đổi Luật giáo dục đại học do TS. Lê Đình Nghị, Trưởng phòng đào tạo trình bày tại Hội nghị cho biết: Thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học theo Công văn số 3955/ĐHLHN-TCCB ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Trường Đại học Luật Hà Nội, từ ngày 06/12 đến 12h00 ngày 17/12/2017, bộ phận tiếp nhận đóng góp ý kiến đã tiếp nhận ý kiến của 16 đơn vị/26 đơn vị. Trên cơ sở ý kiến của 16 đơn vị gửi về, bộ phận tiếp nhận tổng hợp được 105 ý kiến đóng góp của các đơn vị. Những nội dung góp ý cụ thể liên quan đến các điều luật của Dự thảo như: Điều 4. Giải thích từ ngữ; Điều 6. Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học; Điều 7. Hệ thống cơ sở giáo dục đại học; Điều 9. Phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; Điều 11. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; Điều 14. Cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện; Điều 15. Cơ cấu tổ chức của đại học; Điều 16. Hội đồng trường; Điều 17. Hội đồng quản trị; Điều 20. Hiệu trưởng; Điều 32. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; Điều 33. Mở ngành đào tạo; Điều 35. Thời gian đào tạo; Điều 38. Văn bằng giáo dục đại học; Điều 40. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ; Điều 45. Liên kết đào tạo với nước ngoài; Điều 54. Giảng viên; Điều 66. Quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học; Điều 70. Thanh tra, kiểm tra…

 

             

 

Với nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, “đây sẽ là những đóng góp thiết thực cho việc hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học” như khẳng định của Hiệu trưởng Lê Tiến Châu trong phát biểu khai mạc Hội nghị./.

Hồng Thu