Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2017

Đăng vào 23/05/2018

Một trong những sứ mạng quan trọng được Trường Đại học Luật Hà Nội xác định là trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu với tầm nhìn trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, trung tâm truyền bá khoa học pháp lý hàng đầu của Việt Nam và có thương hiệu trong khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở sứ mạng và tầm nhìn đó, nghiên cứu khoa học luôn được xem là hoạt động trọng tâm của Nhà trường. Năm 2017 vừa qua được đánh giá là một năm Trường Đại học Luật Hà Nội khởi sắc và có nhiều thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường cũng còn có những hạn chế và khó khăn nhất định.

Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sáng ngày 18/5/2018, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2017” với mục đích tổng kết, đánh giá hoạt động NCKH trong năm 2017; phân tích những hạn chế và nguyên nhân, đồng thời xây dựng phương hướng và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động NCKH của Trường, đáp ứng mục tiêu xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

 

 

Ngay trước Hội nghị, Trường Đại học Luật đã tổ chức buổi gặp mặt nhằm tri ân các giáo sư, phó giáo sư nhân ngày Khoa học công nghệ Việt Nam.

Hội nghị Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2017 vinh dự dược đón tiếp các đại biểu: GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện toà án; TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Hội nghị cũng được đón tiếp đại diện các trường, viện nghiên cứu, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội; các nhà khoa học đã và đang cộng tác trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có sự tham dự của: TS. Chu Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật HN; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật HN; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường và đông đảo giảng viên - những người làm nên thành công của hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội. TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì Hội nghị.

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Quang Huy nêu rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với mỗi cơ sở đào tạo đại học nói chung và đối với Trường Đại học Luật nói riêng. Với vai trò chủ trì Hội nghị, TS. Trần QuangHuy đề nghị Hội nghị đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường năm 2017, từ đó xác định được phương hướng đúng đắn, hiệu quả cho năm 2018. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến hiến kế của các đại biểu để hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội ngày càng được phát triển mạnh mẽ đồng thời thể hiện cam kết của trường đối với các nhà khoa học có công bố quốc tế trong thời gian tới; cam kết hỗ trợ tài chính cho các đề tài cấp trường khi sửa đổi bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ của Trường; dành các khoản kinh phí từ các dự án để triển khai  đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ cho các giảng viên của trường; tạo điều kiện tối đa để giảng viên của trường tham gia các đề tài cấp Bộ, viết sách chuyên khảo, tham khảo và các bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành luật.

 

 

Báo cáo Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2017 của Trường Đại học Luật Hà Nội do TS. Hoàng Ly Anh – Phó trưởng Phòng Phụ trách Phòng QLKH&TSTC trình bày tại Hội nghị cho biết: “Trong năm 2017, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà nội đã được chú trọng đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã bám sát đời sống chính trị, pháp lý của đất nước và nhu cầu đào tạo của Trường. Việc vận dụng kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động của Trường, đặc biệt phục vụ hoạt động giảng dạy đã có chuyển biến tích cực; đa số giảng viên tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó đáng ghi nhận là số lượng giảng viên trẻ tham gia ngày một nhiều.Trong năm 2017, Trường đã đấu thầu thành công 01 đề tài và 01 đề án cấp Nhà nước; bảo vệ thành công 03 đề tài cấp Bộ và 40 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; một số đề tài cấp cơ sở đã bảo vệ thành công trước thời hạn với chất lượng tốt ( tăng gần gấp 3 lần so với năm 2016  với 01 đề tài cấp Bộ và 14 đề tài cấp cơ sở); và đang triển khai thực hiện 45 đề tài đã được ký hợp đồng từ năm 2017. Trường đã tổ chức được 57 hội thảo các cấp với những chủ đề thời sự liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp lý quan trọng của đất nước, của ngành. Các hội thảo đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia làm công tác thực tiễn…, thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, giảng viên và học viên của Trường và của các cơ sở đào tạo pháp luật khác trong toàn quốc.Năm 2017 có trên 150 bài viết của các tác giả là giảng viên của Trường được đăng trên các tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Luật học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Dân chủ pháp luật...

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao về chất lượng. Năm 2017, có 89 đề tài tham dự cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó 45 đề tài đạt giải cấp trường. Trường đã chọn ra 3 đề tài gửi dự thi cấp Bộ đều đạt giải Ba, 03 đề tài được giải khuyến khích Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka lần thứ XIX. Năm 2017, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội cũng dành giải Nhì cuộc thi Moot Competiton (Vmoot) do Law Asia và Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế tổ chức

Ngoài ra, các giảng viên của Trường cũng đã tích cực phối hợp, tham gia thực hiện rất nhiều đề tài các cấp do các Bộ, Ngành, các viện hoặc cơ sở đào tạo khác chủ trì. Hợp tác nghiên cứu khoa học đã có nhiều khởi sắc. Thông qua các hoạt động đối với các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, các đối tác tích cưc như Cana đa, Úc, Niu Zi Lân..., hợp tác khoa học cùng nghiên cứu qua các chương trình, dự án hợp tác đã được thiết lập, để từng bước tiến tới các xuất bản phẩm, các công bố quốc tế uy tín...

Báo cáo cũng đã nêu lên những khó khăn, tồn tại, hạn chế cũng như nêu định hướng và giải pháp phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

      

 

Hội nghị đã được nghe các báo cáo tham luận: “Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội – Định hướng và giải pháp”; “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học thông qua các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài của Trường Đại học Luật Hà Nội”; “Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trong điều kiện hiện nay” của các chuyên gia thuộc Trường và các ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như công tác quản lý khoa học của các đại biểu tham dự.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Lê Minh Tâm đánh giá cao những kết quả của công tác quản lý khoa học nói chung, hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng của Trường Đại học Luật Hà Nội trong những năm qua. GS.TS. Lê Minh Tâm cho rằng, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cần có 6 điều kiện: Ý tưởng; nguồn nhân lực; thời gian; tài chính; tổ chức và môi trường. Nguyên Hiệu trưởng cho rằng Nhà trường cần có những định hướng và giải pháp đột phá đối với hoạt động nghiên cứu khoa học.

 

 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS. Chu Mạnh Hùng kết luận:“Hội nghị đã đánh giá khái quát những kết quả mà Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chỉ ra những hạn chế và tồn tại của Trường; đồng thời Hội nghị cũng đánh giá rất khách quan, thẳng thắn thế mạnh và những điểm còn yếu của đội ngũ các nhà khoa học của Trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học… Hội nghị đã được nghe những ý kiến đóng góp về định hướng, về giải pháp rất căn cơ đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường trong thời gian tới.Các tham luận và ý kiến góp ý của các nhà khoa học và các đại biểu tại Hội nghị thật sự là những ý kiến đầy trách nhiệm và tâm huyết. Ý kiến xuyên suốt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, đó là sự đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố sáng tạo, nỗ lực và đam mê của cá nhân các nhà khoa học với môi trường làm việc, với cơ chế, chính sách mà Nhà trường cần có để nuôi dưỡng và khuyến khích niềm đam mê, sự sáng tạo, cống hiến đó”. Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng khẳng định: “Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ có những sửa đổi trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, tỉ lệ chi cho nghiên cứu khoa học cao hơn; sự “tương tác” giữa các nhà khoa học và Nhà trường sẽ được thực hiện tốt hơn…”. “Nhà trường cũng mong muốn đội ngũ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ cần có những nỗ lực hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học.” – Phó Hiệu trưởng nói.

 

       

  

Thay mặt Hội đồng thi đua khen thưởng của Nhà trường, TS. Trần Kim Liễu đã công bố Quyết định trao tặng 6 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và 16 Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2017.

 

    Nhằm xây dựng, củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo; với mục tiêu tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho xã hội; góp phần cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp đã trao đổi, bàn bạc và đi đến thống nhất ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên.

 

    

 

TS. Trần Quang Huy đại diện cho Trường Đại học Luật Hà Nội và TS. Nguyễn Văn Cương đại diện cho Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Tư pháp, Ban Giám hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội và Đoàn chủ tịch Hội nghị./.

Hồng Thu