Hội nghị khoa học quốc tế: “Pháp luật lao động Việt Nam dưới góc nhìn so sánh và quốc tế”

Đăng vào 04/10/2018

Trong khuôn khổ tuần lễ pháp luật Việt – Đức lần thứ 8, Trường Đại học Luật Hà Nội và Văn phòng đại diện của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Pháp luật lao động Việt Nam dưới góc nhìn so sánh và quốc tế” tại khu nghỉ dưỡng Serena Kim Bôi, Hoà Bình từ ngày 01/10/2018 đến ngày 02/10/2018.

 

 

Tham dự hội thảo có sự tham gia của TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội; ông Erwin Schweisshelm, Trưởng Đại diện Viện FES tại Việt Nam; TS. Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng tổ chức lao động quốc tế tại Hà Nội; GS.TS. Wolfgang Daeubler, Cộng hoà Liên bang Đức; TS. Sina Fontana, Đại học Gottingen; bà Jeong Soyeon, Văn phòng luật sư Boda (Hàn Quốc); ông Ong Yen Her, nguyên trưởng phòng quan hệ lao động và việc làm, Bộ Nhân lực Singapore; ông Sean O’Connel, chuyên gia tư vấn của UNDP; TS. Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội; TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn; PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế… Tham dự hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Viện Nhà nước và pháp luật, Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học công đoàn, Trường Đại học Vinh, Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đại biểu đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

 

Sau 5 năm thực hiện, Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ 01/5/2013) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy hiệu quả và đi vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên Bộ luật này còn bộc lộ một số hạn chế cần phải sửa đổi kịp thời để đáp ứng với các phát sinh trong quan hệ lao động. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh việc tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới như TPP (nay là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) hay EV FTA thì việc sửa đổi các quy định của bộ luật lao động là cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể của quan hệ lao động và góp phần thuận lợi cho sự phát triển bề vững của nền kinh tế đất nước.

 

      

 

Các tham luận trình bày và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề như: Quan điểm, định hướng sửa đổi Bộ luật lao động năm 2012; thực tiễn thực hiện Bộ luật lao động năm 2012 về tự do nghiệp đoàn, tuổi nghỉ hưu, thời gian làm thêm; kinh nghiệm của một số quốc gia như Cộng hoà Liên bang Đức; Singapore; Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia Asean. Các ý kiến tại Hội thảo đều nhất trí về sự cần thiết đối với việc sửa đổi Bộ luật lao động năm 2012 nhằm phù hợp với điều kiện phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chiến lược của Đảng, nhà nước về hội nhập kinh tế. Hội thảo góp phần cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sửa đổi Bộ luật lao động 2012. Ngoài ra, đây là cơ hội để các giảng viên, chuyên gia, người làm công tác thực tiễn, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước  giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để đóng góp ý kiến nhằm sửa đổi Bộ Luật lao động năm 2012 từ góc độ khoa học, quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện; làm rõ vai trò, tầm quan trọng của của việc sửa đổi Bộ luật lao động năm 2012 để phù hợp với sự thay đổi kinh tế - xã hội ở Việt Nam

 

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí đã cảm ơn Viện FES, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan trong và ngoài nước tham gia Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Viện FES trong các hoạt động hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian tới./.

Xuân Trường