HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ LIÊN MINH CHÂU ÂU, ĐỨC VÀ VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM

Đăng vào 09/04/2019

Ngày 05/4/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện FES Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: Pháp luật tố tụng dân sự Liên minh châu Âu, Đức và Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện đơn vị tổ chức, về phía Viện FES có ngài Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam, ông Tiêu Dũng Tiến – Phó trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng phụ trách, PGS.TS. Vũ Thị Lan - Phó Hiệu trưởng. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các quốc gia CHLB Đức, Nhật Bản và Việt Nam: GS.TS. Alexander Trunk - Đại học Kiel, CHLB Đức; TS. Katrin Seidel - Thẩm phán Tòa án khu vực Kiel, CHLB Đức; GS.TS. Hatta Takyua – Đại học Kobe, Nhật Bản; GS.TS. Toshikada Kudo - Đại học Keio, Nhật Bản; ThS. Lê Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao; TS. Nguyễn Hải An - Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra - Tòa án nhân dân tối cao; cùng các chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Tòa án... 

   

TS. Trần Quang Huy và ông Axel Blaschke phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tại Hội thảo, GS.TS. Alexander Trunk, GS.TS. Hatta Takyua và PGS.TS. Bùi Thị Huyền đã lần lượt có các bài tham luận giới thiệu tổng quan về pháp luật tố tụng dân sự của Liên minh châu Âu, CHLB Đức, Nhật Bản và Việt Nam. Tiếp sau đó, các tham luận tại Hội thảo tập trung đánh giá, làm rõ các xu hướng của tố tụng dân sự trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế hiện nay. 

 

   

GS.TS. Alexander Trunk và PGS.TS. Bùi Thị Huyền trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Trước hết đó là xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp trong tố tụng dân sự, mà gắn liền với nó sự xuất hiện của các khái niệm chứng cứ điện tử, tòa án điện tử. Xu hướng tiếp theo cũng đang thể hiện rõ nét trong tố tụng dân sự các quốc gia trên thế giới đó là xu hướng tăng cường hòa giải tranh chấp dân sự. Tại châu Âu, Chỉ thị số 2008/52EC về một số khía cạnh của hòa giải dân sự và thương mại đã tạo nên một làn sóng phát triển thể chế hòa giải ở các nước thành viên EU, trong đó có CHLB Đức, theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hóa hoạt động hòa giải. Tại Việt Nam, xu hướng tăng cường hòa giải tranh chấp dân sự nói chung và hòa giải tại tòa án nói riêng đã được ghi nhận trong Nghị quyết số số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Dự thảo Luật Hòa giải cũng đang được xây dựng trên tinh thần tiếp thu kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, đề cao nguyên tắc bảo mật thông tin, cho phép nhiều phương pháp hòa giải linh hoạt.

 

 

GS.TS. Hatta Takyua và ThS. Lê Mạnh Hùng trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục tố tụng dân sự cũng là xu hướng được các quốc gia thực hiện qua các thủ tục như: Thủ tục ra lệnh thanh toán của CHLB Đức, thủ tục ra lệnh thanh toán hoặc thủ tục buộc thực hiện công việc của Pháp, thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự Việt Nam... Xu hướng này là cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự một cách nhanh chóng, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các tranh chấp dân sự.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề có liên quan như: các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết tranh chấp dân sự, vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm trong hòa giải, xét xử các vụ án dân sự tại tòa án của CHLB Đức, Nhật Bản và Việt Nam.

 

 

                                     Toàn cảnh Hội thảo                         PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia tham dự Hội thảo

Sau một ngày làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với rất nhiều nội dung quan trọng được chia sẻ, thảo luận. Đây không chỉ là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật của các nhà khoa học mà những kết quả thu được từ Hội thảo còn có giá trị thiết thực cho công tác xây dựng và thực thi pháp luật của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh gửi lời cảm ơn chân thành đến Viện FES về sự cộng tác hiệu quả của Viện đối với Trường Đại học Luật Hà Nội trong suốt thời gian qua cũng như sự tham gia tích cực của các chuyên gia đến từ Đức, Nhật Bản và Việt Nam; đồng thời bày tỏ hy vọng sau Hội thảo này sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác, nghiên cứu giữa Trường Đại học Luật Hà Nội với cá nhân các chuyên gia cũng như các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của CHLB Đức và Nhật Bản trong thời gian tới./.

                                                                             Quỳnh Hoa