TỌA ĐÀM KHOA HỌC QUỐC TẾ “PHÁP LUẬT VỀ SINH KẾ BỀN VỮNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU- TIẾP CẬN CÁC QUỐC GIA CHÂU Á”

Đăng vào 10/06/2019

Ngày 05/06/2019, tại Trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra tọa đàm quốc tế với chủ đề: “Pháp luật về sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu – tiếp cận của các quốc gia Châu Á”. Tọa đàm do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp cùng CAPI (UVIC)- Trung tâm sáng kiến châu Á Thái Bình Dương, Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức.

 

 

Tham dự tọa đàm, về phía các chuyên gia quốc tế có TS.Tshering Dolkar; TS. Supriya Routh, TS.Ellen Campell; TS. Nuthamon Kongcharoen; TS Melissa Low; Dr.Piti Eiamchamroomlarp.

Về phía Bộ Tư pháp có TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học Pháp lý và các cán bộ nghiên cứu của Viện.

 

 

Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có: TS. Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng phụ trách, TS. Hoàng Ly Anh, quyền Trưởng phòng QLKH & TSTC; các giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường cùng các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu như Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa Luật Đại học Công đoàn, Đại học Văn hóa, Viện khoa học môi trường, Viện nghiên cứu lập pháp…

Tọa đàm “Pháp luật về sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu – tiếp cận của các quốc gia Châu Á”được chia thành 4 phiên chính, với các chủ đề như tăng trưởng kinh tế hay phát triển bền vững; quy định và quản lý môi trường; khai thác kinh tế và khả năng phục hồi của cộng đồng; thể chế đối với sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu.

 

 

 

Tọa đàm đã nghe 12 bài tham luận, nhiều ý kiến trao đổi thảo luận của nhiều chuyên gia quốc tế và Việt Nam liên quan đến nhiều vấn đề nóng như sinh kế bền vững với thiên nhiên; sinh kế hài hòa với thiên nhiên, so sánh pháp luật môi trường giữa Bhutan với các quốc gia khác; quản lý nhà nước để đảm bảo sinh kế cho cộng đồng trong điều kiện biến đổi khí hậu tại Việt Nam,Bảo vệ sinh kế bền vững thông qua cơ chế REDD + Quan điểm chính sách và pháp lý quốc tế và Việt Nam; cơ chế báo cáo và minh bạch thông tin trong công ước quốc tế về biến đổi khí hậu, vấn đề khói mù ở miền bắc Thái Lai, các vấn đề về tội phạm môi trường và các loại trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực môi trường….

 

    

 

Các chuyên gia và đại biểu tham dự Toạ đàm đã tích cực trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề về nội dung cũng như kinh nghiệm về pháp luật liên quan đến sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu, nhiều vấn đề nghiên cứu mới được gợi mở. Phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Văn Cương chân thành cảm ơn các chuyên gia quốc tế và Trung tâm sáng kiến châu Á Thái Bình Dương đã phối hợp và hỗ trợ Trường Đại học Luật tổ chức Tọa đàm; đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trung tâm sáng kiến châu Á Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế đối với Trường Đại học Luật Hà Nội trong việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý./.

Nguyễn Thị Hằng