Tọa đàm khoa học: Hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội – Những vấn đề pháp lý đặt ra

Đăng vào 10/01/2020

 

Sáng ngày 08/01/2020, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: Hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội – Những vấn đề pháp lý đặt ra.Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác như: Viện Khoa học pháp lý, Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Cảnh sát nhân dân; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan: Bộ Tư pháp, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí – Bộ Thông tin và truyền thông, Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học và công nghệ; Văn phòng Luật sư Đào Ngọc Lý; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh phát biểu khai mạc Toạ đàm

 

Chủ đề của Tọa đàm đề cập một hiện tượng xã hội diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây đó là việc một số cá nhân vì những động cơ khác nhau đã phát tán thông tin, hình ảnh của người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của người đó và những người có liên quan. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội xâm phạm quyền cơ bản như quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đã được Hiến pháp ghi nhận và được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự. Chủ thể phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân tùy từng mức độ phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự. Trên cơ sở phân thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn các vụ việc vi phạm về vấn đề phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, các đại biểu đánh giá: Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã có khung pháp lý điều chỉnh khá toàn diện về vấn đề này, song trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, sự bùng nổ thông tin của internet và sự đa dạng, phức tạp của hành vi phát tán cùng với tốc độ lan truyền “chóng mặt” của mạng xã hội hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Bối cảnh đó đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý toàn diện cùng với sự vào cuộc chủ động của các cơ quan chức năng, đặc biệt mỗi cá nhân cần nâng cao hiểu biết đối với các quyền cơ bản về thông tin, bí mật đời tư của mình và của người khác để có những biện pháp tự bảo vệ cũng như không thực hiện hành vi phát tán thông tin, hình ảnh của người khác trái pháp luật.

 

 

PGS.TS. Tô Văn Hoà và LS. Đào Ngọc Lý phát biểu tại Toạ đàm

Đánh giá và đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong nước, các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu và chia sẻ quy định của pháp luật quốc tế, quy định pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền bí mật riêng tư của nhiều quốc gia, khu vực như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tọa đàm đã tạo được một diễn đàn khoa học sôi nổi cho các nhà nghiên cứu, những người hoạt động thực tiễn và sinh viên luật trao đổi, thảo luận dưới góc nhìn khoa học pháp lý về một hiện tượng xã hội đang rất “nóng” hiện nay. Những kết quả thu được từ Tọa đàm phục vụ hữu ích cho công tác đào tạo, nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội, đóng góp tích cực cho công tác xây dựng và thực thi pháp luật cũng như gợi mở nhiều vấn đề để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới./.

Quỳnh Hoa