Bộ, ngành Tư pháp có đóng góp quan trọng trong xây dựng hình ảnh, giá trị thương hiệu Việt Nam

Đăng vào 23/12/2020

Ngày 23/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo Hội nghị ngành Tư pháp năm 2021, đồng thời hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ở Trung ương, địa phương đã đến dự Hội nghị quan trọng này.

Ngành Tư pháp giúp Chính phủ tháo gỡ khó khăn, ách tắc về cơ chế chính sách để phát triển đất nước
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thể chế pháp luật và thực thi pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng đất nước trên tinh thần kỷ cương phép nước, phát huy dân chủ, phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Tư pháp: “Chính phủ ta trong bất kỳ điều kiện nào cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành Tư pháp”. Ngành Tư pháp không trực tiếp làm ra của cải vật chất, nhưng là nền tảng để tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong phát triển đất nước. Do đó, Hội nghị ngành có ý nghĩa rất lớn, không chỉ trong năm 2021, trong 05 năm mà còn trong các năm tiếp theo, đây là trách nhiệm rất lớn của cán bộ trong ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng chỉ ra, đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào tư duy của chúng ta trong xây dựng và xử lý các vấn đề pháp luật.
Nhắc đến bối cảnh chung của đất nước những năm qua và trong năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước Việt Nam gặp vô cùng khó khăn, thiên tai, bão lụt, vừa qua bão trùng bão, lũ trùng lũ, nhất là dịch bệnh Covid toàn cầu. Nhưng đất nước chúng ta vẫn phát triển trên tinh thần “Mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, trong đó, ngành Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, ách tắc về cơ chế chính sách cần thiết để phát triển đất nước.

Các định chế tài chính lớn của quốc tế nhận định, năm 2020 Việt Nam tăng trưởng đứng đầu thế giới
Trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái do tác động của dịch COVID-19, trong khó khăn Việt Nam đã giữ vững được nhịp độ tăng trưởng như mục tiêu đề ra, duy trì tăng trưởng dương có thể đạt xấp xỉ 3% trong năm nay và cơ bản giữ được cân bằng trong thu chi ngân sách, lạm phát thấp… Các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng nhất của đất nước, đời sống nhân dân được giữ vững đặc biệt là vùng sâu xa, những vùng thiên tai. Đặc biệt trong năm nay Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu quan trọng đó là cán cân thương mại, lần đầu tiên chúng ta có con số xuất khẩu tăng trưởng trên 5% trong hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng cho biết, các định chế tài chính lớn của quốc tế nhận định, năm 2020 Việt Nam tăng trưởng đứng đầu thế giới, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế xuất khẩu mạnh nhất, đã xuất siêu được trên 20 tỷ đô la - đây là điều rất đáng mừng, nhất là các dự trữ quan trọng cân đối được. Chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, chỉ số phát triển con người thuộc nhóm nước phát triển trung bình cao… Thủ tướng chỉ ra, nghèo đói là vấn đề toàn cầu, đây cũng là vấn đề mà Chính phủ rất quan tâm, trong đó an sinh xã hội là rất quan trọng, đặc biệt đối với nhóm đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do vậy, cần phải dành nguồn lực cho đồng bào khó khăn của chúng ta.
Trên cơ sở đó, có thể khẳng định rằng, việc tháo gỡ các khó khăn, ách tắc về mặt thể chế, chính sách đã góp phần đưa đất nước phát triển một cách phù hợp trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Bộ, ngành Tư pháp có đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid19
Không những thế, Thủ tướng cũng khẳng định Bộ, ngành Tư pháp nói chung, các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng đã có nhiều đóng góp để tháo gỡ khó khăn trong tình trạng khẩn cấp, tiền khẩn cấp, nhất là trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid19 không lây lan rộng ở nước ta giai đoạn 1, khoanh vùng dập dịch thần tốc và thần tốc hơn nữa trong giai đoạn 2. Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã tập trung quyết liệt từ mệnh lệnh y tế sang mệnh lệnh hành chính, thậm chí điều tra, truy tố một số tổ chức, cá nhân đã vi phạm quy trình cách ly y tế. Với cách làm đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị, lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường, được quốc tế đánh giá cao.
Cho biết về thành công trong phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng dẫn lại báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) mà Brand Finance, hãng định giá thương hiệu của Anh mới công bố, cho thấy, nhờ phòng chống COVID-19 tốt, giá trị thương hiệu của Việt Nam tăng lên 319 tỷ USD năm nay, tăng 29% so với năm ngoái. Thứ hạng cũng cải thiện từ 42 lên 33. Và vừa qua, tại Phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Cán bộ tư pháp gương mẫu, tận tụy ngành Tư pháp sẽ phát triển
Nhấn mạnh vai trò của cán bộ tư pháp, Thủ tướng cho rằng, hệ thống ngành Tư pháp với đội ngũ đông đảo hơn 45.000 người, nếu cán bộ mà gương mẫu, tận tụy, nêu gương, thực thi pháp luật, thúc đẩy công vụ, Thủ tướng tin rằng đất nước sẽ có sự chuyển biến tích cựcCán bộ tư pháp gương mẫu, làm tốt, tham mưu tốt thì sẽ ngăn chặn bớt các vi phạm.
Vấn đề quản lý con người, tổ chức của ngành Tư pháp đã đạt được những thành tựu lớn mà ít khi đạt được. Các tổ chức của Bộ Tư pháp cần quan tâm hơn, thực thi đúng hơn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của ngành Tư pháp, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của toàng ngành Tư pháp trong việc thu hồi tài sản trong các vụ kiện quốc tế lớn. Qua đó, Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần nêu gương tốt hơn để bảo vệ nền Tư pháp Việt Nam, nền hành chính quốc gia, quyền con người, quyền công dân. Quan tâm đến cán bộ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ; công tác luân chuyển, điều động cán bộ…
Trong 05 năm qua hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện, phát triển cơ bản, cân đối về mọi lĩnh vực; chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; thể chế hóa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước với nhiều giải pháp về thể chế pháp luật. Cố gắng gắn kết chặt chẽ giữa việc xây dựng hoàn thiện pháp luật với việc nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trên tinh thần Hiến pháp 2013; nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân dân về pháp luật và công tác xây dựng pháp luật được nâng cao…
Thủ tướng nhấn mạnh, “Một xã hội dân chủ, kỷ cương, pháp luật như Việt Nam, quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo vệ đúng mức là niềm tin quan trọng để xã hội yên tâm, người dân phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển đất nước”. Mặt khác, chúng ta đã thực hiện gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với cải cách tư pháp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hình sự, dân sự, tổ chức hoạt động của cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng. Nhắc đến câu nói của Robinson: “Thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng cho rằng, lý do các quốc gia thất bại chính là ở vấn đề về thể chế pháp luật. Công tác phòng chống tham nhũng, hội nhập quốc tế, quốc phòng an ninh đã đạt được kết quả tốt trong đó có vai trò của xây dựng pháp luật.
Thủ tướng nhắc lại,  "Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, tôi đã nhấn mạnh: Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ chỉ đạo, điều hành theo hướng chuyến mạnh từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đề cao vai trò, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác thể chế. Điều này yêu cầu bộ, ngành Tư pháp cần thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; cần cố gắng để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp... Và phải làm thế nào để Bộ, ngành Tư pháp phát triển mạnh hơn?”.
Theo Thủ tướng, đến nay, khi đã đi gần hết nhiệm kỳ và nhìn lại, chúng ta vui mừng nhận thấy, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu, Bộ và ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng không chỉ đối với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật mà còn là chỗ dựa vững chắc cho các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành.
Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua.
Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao; việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Còn tình trạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; số việc thi hành án năm trước chuyển sang năm sau vẫn còn nhiều. Hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại) còn có sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp trong xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.
Cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 43 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. “Chồng chéo là vấn đề lớn hiện nay, do đó, pháp điển hóa pháp luật là vấn đề cần tiếp tục đặt ra cho ngành Tư pháp”. Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.
Đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng quán triệt quan điểm là cái gì Nhà nước không làm, không cần thiết làm, không phải nhất thiết làm thì nên hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, xã hội làm.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thực hiện đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định chỉ đạo, điều hành.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng và tràn đầy tình cảm với ngành Tư pháp. Trong đó, Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được, những đóng góp tích cực của công tác Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức thưc tế đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ và quán triệt sâu sắc trong toàn ngành Tư pháp các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Bộ, ngành Tư pháp rất mong nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Ban, bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương.

An Như – Trung tâm Thông tin