Hội thảo "Đổi mới sáng tạo và chuyển đối số để xây dựng đại học 4.0"

Đăng vào 19/01/2021

     Sáng ngày 19/01/2021, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp cùng Viện sáng tạo và chuyển đổi số VIDTI tổ chức thành công Hội thảo "Đổi mới sáng tạo và chuyển đối số để xây dựng đại học 4.0". 

     Tới tham dự Hội thảo, về phía Viện sáng tạo và chuyển đổi số VIDTI có Bà Nguyễn Thị Bích Lan - Chủ tịch HĐQL, các phó viện trưởng và các thành viên viện Sáng tạo và chuyển đổi số; Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Chu Mạnh Hùng - Bí Thư Đảng ủy - Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường, TS. Lê Đình Nghị - Phó Hiệu trưởng, Ông Phạm Văn Hạnh - Giám đốc TT Công nghệ Thông tin và sự góp mặt của các đại biểu là lãnh đạo chủ chốt, đại diện các bộ môn thuộc Trường, cùng các quý chuyên gia đến tham dự.

Toàn cảnh Hội thảo

     Phát biểu khai mạc, TS. Chu Mạnh Hùng - Q. Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đã chia sẻ về mục đích của việc tổ chức hội thảo quốc tế lần này: “Chúng tôi tổ chức hội thảo này là để tìm hiểu về mô hình giáo dục đại học 4.0, các đặc tính của nó, việc áp dụng trên thế giới, khả năng áp dụng tại Việt Nam và từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Hiện nay, toàn ngành giáo dục đã chủ trương, xác định ứng dụng Công nghệ Thông tin là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GDĐT. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, hỗ trợ đổi mới dạy - học, nghiên cứu khoa học triển khai trong toàn ngành. Đây cũng là dịp để các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng và kinh nghiệm đổi mới giáo dục quốc tế để định hình nên một nền giáo dục hiện đại cho thế kỷ 21”.     

TS. Chu Mạnh Hùng - Q. Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Hạnh - Giám đốc TT Công nghệ Thông tin cho biết: Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, việc sản xuất bài giảng Elearning rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với Trường Đại học Luật Hà Nội. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội ý thức rõ vai trò của một trường đại học trong chuyển đổi số. Từ chuyển dịch về mặt công nghệ, chuyển đổi số sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn trong giáo dục đào tạo, trong cách chúng ta dạy, học; từ đó chuyển thành kỹ năng làm việc với những yêu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và yêu cầu của công việc ngoài xã hội”.

     Chuyển đổi số đang làm thay đổi diện mạo ngành giáo dục, trong thời gian tới chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng, cần được tập trung nguồn lực triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, những thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế.

     Tiếp đó, TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng VIDTI đã trình bày về Xu hướng Chuyển đổi số trong ngành giáo dục hiện nay. Tiến sĩ cho biết: Trên thế giới nhiều quốc gia đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số như tại Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia…Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng nhưng có chung một số nội dung chính gồm chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông). Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam nói chung và ngành giáo dục đào tạo nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải thực hiện rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Trong lĩnh vực Giáo dục Đào tạo, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới Giáo dục Đào tạo theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng VIDTI

    Chuyển đổi số là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…, phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa công ty.  Không chỉ dừng lại ở đó, Chuyển đổi số còn  tạo ra các mô hình hoạt động mới, sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ của người sử dụng.

     Về vấn đề tài chính, Chuyển đổi số sẽ làm cho những yếu tố vốn dĩ là thế mạnh của mô hình giáo dục truyền thống sẽ không còn khi giáo viên không phải là tài sản riêng của trường đại học vì họ có thể tham gia bất kỳ tổ chức nào sinh lợi nhuận và nhiều giá trị gia tăng khác. Trong khi đó, sinh viên không còn là nguồn thu duy nhất của cơ sở giáo dục, khi đây là chủ thể chủ động chọn mua các thành phần kiến thức có lợi cho kho tri thức cá nhân của họ. Giá trị thương hiệu của trường khi đó không phải đo bằng những chỉ số giới hạn như cơ sở vật chất, thâm niên và các cá nhân xuất sắc của trường mà là lòng tin của công chúng, khả năng tiếp thị số... 

     Tại hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, tham luận thẳng thắn, đánh giá đúng thực trạng, đồng thời nêu lên những vướng mắc và xây dựng ý kiến nhằm hướng đến nâng cao chất lượng về công tác chuyển đổi số, giáo dục trực tuyến tại Việt Nam, cũng như tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS Hoàng Thị Bảo Thoa - Giám đốc Đào tạo và Phát triển dự án VIDTI

Ông Hoàng Nguyên Vân - Phó viện trưởng VIDTI

Viện sáng tạo và chuyển đổi số VIDTI trao khung CĐS và tặng sách CĐS cho Trường Đại học Luật Hà Nội