Tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đến gia đình liệt sỹ, thương binh trong Bộ, ngành Tư pháp

Đăng vào 26/07/2021

Dù rằng chiến tranh đã đi qua, song những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu, để lại những đau đớn, mất mát cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ - những người đã vĩnh viễn mất đi một phần cơ thể hoặc cả mạng sống ở chiến trường khi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

“Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất. Hướng về kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021), mỗi một con người Việt Nam chúng ta chắc hẳn đều cùng một suy nghĩ đó là vô cùng biết ơn những người chiến sỹ đã cống hiến, chiến đấu, không ngại hy sinh để cho chúng ta có được hòa bình độc lập hôm nay và chúng ta nguyện quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập này.
 
Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đó là mục tiêu khơi dậy khát vọng của toàn dân, vì vậy  việc quan tâm, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và tình cảm của toàn dân. Mặc dù trong những năm vừa qua chúng ta có rất nhiều cố gắng chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ,  nhưng so với yêu cầu, chúng ta còn cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.
 
Chúng ta phải kiên định và vận dụng, phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng  Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm những đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quyết tâm cao nhất,  nỗ lực cao nhất trong học tập, rèn luyện, lao động của mình đóng góp cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh và kỳ vọng của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, các thế hệ cha anh đi trước.
 
Thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tư pháp hôm nay có quyền tự hào về thế hệ cha anh đi tr­ước,  chúng ta hãy bằng những hành động cụ thể hãy cống hiến hết sức mình cho đơn vị mình đang công tác, cho Bộ, Ngành Tư pháp và cho Tổ quốc. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đến các gia đình liệt sỹ, thương binh trong Bộ, ngành Tư pháp và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyễn Kim Tinh
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự Bộ Tư pháp