PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ LỄ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC GIỮA VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Đăng vào 16/09/2022

Chiều ngày 16/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp với trường Đại học Luật Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng Thỏa thuận này cùng với việc huy động trí tuệ, tâm huyết của các thầy giáo, cô giáo trường Đại học Luật Hà Nội sẽ đóng góp tích cực vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Tham dự buổi ký kết hôm nay, về phía Quốc Hội và các Ủy ban của Quốc hội có sự hiện diện của đ/c Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đ/c Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đ/c Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; đ/c Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đ/c Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đ/c Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đ/c Lưu Văn Đức - Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đ/c Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đ/c Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục...

Về phía Bộ Tư pháp có sự tham dự của đ/c Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đ/c Đặng Hoàng Oanh - Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện một số lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ.

Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp có sự tham gia của các đồng chí: Đ/c Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện NCLP, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học của UBTVQH; đ/c Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện NCLP, Ủy viên Thường trực Hội đồng khoa học của UBTVQH và đại diện các đơn vị thuộc Viện. 

Về phía Nhà trường có sự tham dự của TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng; các đồng chí Phó Hiệu trưởng: PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, TS. Lê Đình Nghị; PGS. TS Tô Văn Hòa; GS.TS Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường cùng Trưởng các đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội thuộc Trường

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên ký kết thỏa thuận hợp tác 

Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chứng kiến nghi thức ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp với trường Đại học Luật Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sứ mệnh quan trọng là tổ chức, huy động ý kiến, tập trung trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để giúp cho công tác xây dựng pháp luật và các hoạt động của Quốc hội được hiệu lực, hiệu quả. Kết quả làm việc của Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động của gần 500 đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Lễ ký kết

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, GS.TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, huy động trí tuệ của các nhà khoa học trong và ngoài Quốc hội tham gia vào các hoạt động của Quốc hội. Do vậy, trong quá trình hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Viện Nghiên cứu lập pháp đều phải thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, huy động các chuyên gia, tổng hợp ý kiến chuyên môn đa chiều để đảm bảo các dự án Luật được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đạt chất lượng cao nhất. Trong các cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo đó, có sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả, tích cực, trách nhiệm của các thầy, cô giáo của trường Đại học Luật Hà Nội.

Chúc mừng Viện Nghiên cứu lập pháp và trường Đại học Luật Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thỏa thuận hợp tác này có nội dung khái quát, hàm ý sâu sắc, dựa trên những thành quả hợp tác tốt đẹp sẵn có. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường đối thoại để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, phải có kế hoạch, chương trình hành động, dự án, công việc cụ thể, đưa ra sản phẩm cụ thể, mang lại tác động thực chất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Trên cương vị phụ trách chung về công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sẽ hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện để thỏa thuận hợp tác này được thực hiện tốt, công tác của hai bên ngày càng thiết thực, hiệu quả, đóng góp vào hoạt động chung của Quốc hội, của đất nước.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có nhiệm vụ chính trị nặng nề, đặc biệt công tác lập pháp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng Đoàn Quốc hội đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19/KL-TW ngày ngày 14 tháng 10 năm 2021 về “Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV”. Căn cứ vào Kết luận này của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với 137 nội dung công việc cụ thể, riêng năm 2022, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ phải triển khai 104 đầu công việc lập pháp khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác lập pháp của Quốc hội đòi hỏi về tiến độ công việc rất cấp bách, gấp rút, cần phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuẩn bị, thẩm tra văn bản, phải đạt được sự thống nhất, đồng thuận cao. Để có thể thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ với yêu cầu cao như vậy, cần huy động trí tuệ từ xã hội, từ Nhân dân mà cụ thể là phải tận dụng được trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng thỏa thuận này cùng với việc huy động trí tuệ, tâm huyết của các thầy giáo, cô giáo trường Đại học Luật Hà Nội sẽ đóng góp tích cực vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, để công tác này có bước tiến bộ mới, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan, mục tiêu của thỏa thuận là để hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Cụ thể, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật, phản biện chính sách, hoạt động nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực hoạt động khác của Viện. Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tăng cường nghiên cứu khoa học, năng lực đào tạo, các lĩnh vực hoạt động khác của Trường, góp phần tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, chính sách, đóng góp vào việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Về lĩnh vực, nội dung hợp tác, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trên nhiều mặt như cùng tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; hợp tác tổ chức các tọa đàm, hội thảo liên quan đến chính sách và pháp luật, Nhà nước pháp quyền, quản trị quốc gia, phản biện, tư vấn chính sách, pháp luật; viết sách chuyên khảo; hỗ trợ công bố quốc tế; hợp tác trong Diễn đàn Luật học và Phát triển. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ tích cực trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu khoa học của mỗi bên dưới dạng bản in và số hóa; chia sẻ, trao đổi tổng hợp thông tin khoa học trong các lĩnh vực, phù hợp với các quy định về quản lý khoa học hiện hành. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng sẽ hỗ trợ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội có môi trường thực tập, kiến tập tại Viện và các cơ quan của Quốc hội.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:

Các đại biểu Quốc hội, cán bộ, nhà nghiên cứu tham dự buổi lễ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan

Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng thỏa thuận này cùng với việc huy động trí tuệ, tâm huyết của các thầy giáo, cô giáo trường Đại học Luật Hà Nội sẽ đóng góp tích cực vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết sẽ huy động tối đa các nhà khoa học, các chuyên gia của Trường vào các hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện

Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên cho biết, Ban giám hiệu nhà trường sẽ giới thiệu các chuyên gia giỏi nhất của Trường tham gia sâu với các hoạt động của Viện

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trường Đại học Luật Hà Nội phát triển tối đa, phát huy thế mạnh nghiên cứu và giảng dạy của mình để hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, cán bộ, chuyên gia, nhà nghiên cứu

Bùi Hùng - Phạm Thắng (Cổng thông tin điện tử Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)