HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI QUÂN VÀ DÂN TRƯỜNG SA

Đăng vào 28/04/2023

Sáng ngày 22/4/2023 (07h00), Đoàn Công tác số 06 xuất phát tại Cảng quốc tế Cam Ranh, khởi đầu hải trình 06 ngày (từ 22/4 đến 26/4) thăm, làm việc với quân, dân Trường Sa.

Lực lượng Hải quân chào tàu để xuất bến

Hải đồ lịch trình của Đoàn Công tác

Đoàn Công tác số 06 do Thiếu tướng – Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân) làm Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Quang Đức - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội làm Phó Trưởng đoàn. Đoàn gồm 234 thành viên đến từ các cơ quan, đơn vị của Thành phố Hà Nội, Ủy ban Dân tộc, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… Trường Đại học Luật Hà Nội có đồng chí Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường tham gia Đoàn.

Tàu kiểm ngư KN -490 đưa Đoàn Công tác thực hiện hải trình Trường Sa

Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta. Trung tâm quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km2, được chia thành 08 cụm (Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên), đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4-6 m so với mặt nước biển). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau: gần nhất  từ đảo Song Tử Tây đến đảo Song Tử Đông (1,5 hải lý), xa nhất từ đảo Song Tử Tây (phía Bắc) tới đảo An Bang (phía Nam) là 280 hải lý. Khí hậu và thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, mỗi tháng có từ 13-20 gió mạnh; một năm có tới trên 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên; duy nhất chỉ có tháng 4 và tháng 5 là ít gió nhất.     

Đoàn đến thăm và làm việc tại các đảo: Song Tử Tây (gần đảo Song Tử Đông do Philipin chiếm giữ), Sinh Tồn Đông (gần đảo Huy Gơ do Trung Quốc chiếm gữ), Đảo Trường Sa, hai đảo chìm (đảo Đá Thị và đảo Đá Đông B) và Nhà giàn DK1/8 (Quế Đường).

Đảo Song Tử Tây

Đảo Đá Thị - đảo chìm

Đảo Sinh Tồn Đông

Đảo Đá Đông B – đảo chìm

Nhà giàn DK1/8

Tại các điểm đảo, Đoàn Công tác đã làm việc với lãnh đạo đảo về điều kiện sinh sống, làm việc, tình hình quân sự quốc phòng trên đảo và khu vực; đồng thời Đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đảo. Các Chương trình văn nghệ do Đội văn nghệ xung kích của Đoàn được tổ chức trên tất cả các đảo để giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, người dân, mang tình cảm, hơi ấm của đất liền tới quân dân nơi đầu song, ngọn gió.

Đặc biệt, trên hải trình từ đảo Sinh Tồn Đông tới đảo Đá Đông B, tàu KN-490 đã thả neo gần đảo Gạc Ma và Đoàn tổ chức Lễ Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển, đảo trong đó có 64 chiến sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 để bảo về đảo Gạc Ma. Buổi Lễ diễn ra trên boong tàu do Thiếu tướng – Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà chủ trì; trong sự im lặng của biển cả về đêm, hương thơm của nén hương trầm và không khí trang nghiêm, Đoàn làm Lễ Tưởng niệm, thả vòng hoa và từng người lần lượt thả bông hoa tươi, con hạc giấy xuống biển, tri ân các liệt sĩ, nhắc nhở về truyền thống và trách nhiệm trong việc giữ gìn biển đảo, lãnh thổ và chủ quyền của Tổ Quốc.

Lễ tưởng niệm trên biển

Điểm nhấn trong hải trình của Đoàn 06 là Chương trình thăm, làm việc trên đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa (Thị trấn Trường Sa) là Trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Trên đảo có các công trình như: Nhà đèn, nhà dân, bệnh xá – Trung tâm Y tế, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách Thủ đô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ...

Đoàn tham gia Lễ Chào cờ và duyệt binh trên đảo, chụp ảnh lưu niệm tại cột cờ chủ quyền, thắp hương tại nhà Tưởng niệm Bác Hồ và làm Lễ tại nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa.

Lễ duyệt binh và chụp ảnh tại Cột chủ quyền

Đoàn cũng làm việc với Chỉ huy và lãnh đạo huyện đảo về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh; đồng thời các đồng chí đại diện của Đoàn cũng thông tin với huyện đảo về tình hình trong đất liền, tình hình của Thủ đô và nhiệm vụ của Đoàn. Tại buổi làm việc của Đoàn với đảo trên hội trường, những món quà của Thủ đô, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được trao cho quân dân huyện đảo Trường Sa. Tại đây, 03 Trường (Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đã trao tặng số tiền 150.000.000; đồng thời, giáo trình “Luật biển quốc tế” của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng được trao tặng để đưa vào Thư viện của huyện đảo.

TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội trao tặng tiền và sách cho quân dân huyện đảo Trường Sa

Huyện đảo Trường Sa cũng gửi tặng Trường Đại học Luật Hà Nội lá cờ Tổ Quốc có chữ ký của lãnh đạo đảo như gửi gắm tới đất liền và Nhà trường hình ảnh thiêng liêng của biển đảo, dân tộc và Tổ Quốc.

Cờ Tổ Quốc đảo tặng Trường Đại học Luật Hà Nội

Xin thay lời kết bằng những dòng lưu niệm do đồng chí Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng trường đã viết trong Sổ Lưu niệm của đảo Trường Sa.

Những dòng lưu niệm do đồng chí Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng trường trong Sổ Lưu niệm của đảo Trường Sa

Chuyến đi của Đoàn Công tác số 06 mang tình cảm, hơi ấm của đất liền, của quân và dân Thủ đô Hà Nội đến với Trường Sa; đồng thời giúp Đoàn cũng như mỗi thành viên cảm nhận thực tế về cuộc sống, lao động và chiến đấu của quân và dân Trường Sa trước sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện và những phức tạp trên thực địa. Thông qua đó, mỗi thành viên của Đoàn bằng tình cảm và trách nhiệm sẽ thông tin, tuyên truyền tới đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, người dân về Trường Sa, về sự kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió của quân dân Trường Sa nhằm bảo vệ biển, đảo, lãnh thổ và chủ quyền thiêng liên của Tổ Quốc.

Ngày 27/4/2023, tàu Kiểm ngư KN – 490 đưa Đoàn về đất liền và cập Cảng quốc tế Cam Ranh, kết thúc hải trình thăm và làm việc của Đoàn công tác 06 tại Trường Sa.

Vòi rồng của Tàu KN- 490 phun nước trước khi cập Cảng, chào mừng thành công của Đoàn Công tác