Hội thảo quốc tế “Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net-Zero Emissions - the Perspective of Developing Countries” (EPCCPL 2023)”

Đăng vào 01/12/2023

Ngày 01 tháng 12 năm 2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật (Đại học Huế) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 1 về “Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net-Zero Emissions - the Perspective of Developing Countries (tạm dịch: Chính sách và pháp luật về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường 2023: Pháp luật quốc tế và quốc gia hướng đến giảm phát thải ròng bằng "0" - Quan điểm của các quốc gia đang phát triển)” tại Việt Nam.

 Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đã và đang tác động đến mọi mặt về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh và phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới được thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là xây dựng được nền kinh tế tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới.

       

   Ảnh toàn thể đại biểu dự hội nghị.

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM; TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Về phía diễn giả nước ngoài, Hội thảo đã thu hút sự tham dự trực tiếp của nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức trên thế giới như: GS. Alan R. Palmiter (William T. Wilson, III, Trưởng khoa Luật Kinh doanh, Trường Luật, Đại học Wake Forest, Hoa Kỳ), GS. Yuko Nishitani (Phó Chủ tịch Học viện Luật Quốc tế the Hague (Ha gưu), Đại học Kyoto, Nhật Bản), GS. Zhang Hui (Trường Đại học Trung Chính Tây Nam, Trung Quốc), TS. Sui Wai Mon (Khoa Luật, Thành viên Học viện Khoa học Đại dương và Trái đất, Trường Đại học Malaya, Malaysia), GS. Mao Uematsu (Đại học Riítumeikan, Nhật Bản; Đại học Chulalongkorn, Thái Lan), Trợ lý GS. Surinrat Kaewtong (Khoa Luật, Đại học Prince of Songkla, Thái Lan), NCS. Julia Cirne Lima Weston (Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Luật học Católica, Bồ Đào Nha), Trường Đại học Quốc tế Symbiosis (Deemed University) (SIU), Ấn Độ cũng như sự tham gia của thẩm phán Tòa Tối cao Ấn Độ và Ủy ban Thế giới về Luật Môi trường. Hội thảo còn ghi nhận sự tham gia trực tuyến thông qua link Zoom của các diễn giả đến từ Trường Đại học Marwadi, Trường Đại học Luật Symbiosis (SLS).

Về phía đại biểu trong nước, Hội thảo có sự tham dự của Ông Vũ Xuân Thanh - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội Vụ; Ông Hoàng Nhất Thống - Chuyên viên chính, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội thảo đã đón tiếp hơn 50 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 30 đại biểu tham dự trực tuyến là các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, luật sư đến từ các đơn vị như: Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật (Đại học Huế), Đại học Thương mại; Trường Đại học Luật, ĐHQGHN; UBND huyện M'Drak. Tỉnh Đắk Lắk cũng như các cá nhân, tổ chức khác có quan tâm. Đến dự và đưa tin về Hội thảo có Đài Truyền hình Việt Nam - VTV9, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV, Báo Tuổi trẻ, Báo Pháp luật, Báo Giáo dục & Thời đại, Báo Đầu tư.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh Hội thảo là một diễn đàn khoa học quốc tế - nơi các chuyên gia, các nhà khoa học có thể thẳng thắn, khách quan chia sẻ những nghiên cứu về các khía cạnh pháp lý, thực tiễn quốc tế và quốc gia về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hướng đến giảm phát thải ròng bằng “0”. Chủ đề Hội thảo năm nay rất quan trọng và thực sự là vấn đề đang thu hút sự quan tâm lớn trong nước và cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 28) vừa được khai mạc ngày 30/11/2023 tại UAE. Đặc biệt, Hội thảo được tổ chức tại TPHCM “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”– Thành phố phát triển năng động, đầu tàu kinh tế của Việt Nam và cũng là nơi đang chứng kiến sự tác động rõ nét của biến đổi khí hậu.

 

TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng thay mặt cho lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội gửi xin cảm ơn tới Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-TPHCM đã nỗ lực và có sự chuẩn bị rất chu đáo cho Hội thảo và mong rằng sự kiện này sẽ đặt tiền đề quan trọng cho sự hợp tác bền chặt và hiệu quả giữa 3 Trường trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài viết, nghiên cứu toàn diện, tổng thể và sâu sắc về các khía cạnh khác nhau thuộc chủ đề của hội thảo. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 55 bài viết để xuất bản kỉ yếu, trong đó có 12 bài viết của các tác giả đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội được đưa vào kỉ yếu của Hội thảo.

Hội thảo diễn ra cả ngày 01 tháng 12 năm 2023 và được chia làm 02 buổi, buổi sáng là phiên thảo luận toàn thể, buổi chiều gồm 04 phiên thảo luận song song theo các chuyên đề, bao gồm: Phiên 1: International legislation reaching net-zero emissions, Phiên 2: National legislation reaching net-zero emissions, Phiên 3: Climate justice and meaningful public participation in environmental decision-making, Phiên 4: Climate change, Carbon market and cross-cutting issues. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều lượt ý kiến trao đổi, thảo luận để làm sâu sắc và sáng tỏ hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan.

 Một số hình ảnh tại Hội thảo