Ban Nữ công- Công đoàn Nhà trường tổ chức du xuân đầu năm Đinh Dậu

Đăng vào 21/02/2017

Nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, nhằm thiết thực kỉ niệm 107 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày 19/02/2017, Ban Nữ công - Công đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức chuyến du xuân cho toàn thể nữ cán bộ, viên chức, giảng viên của Trường. Tham gia chuyến du xuân, về phía Ban Giám hiệu có: TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng; TS. Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Nhà trường.

 

 

Điểm đến đầu tiên là Chùa Ba Vàng, thuộc phương Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng còn có tên gọi là Bảo Quang tự nằm trong dải non thiêng Yên Tử. Chùa toạ lạc trên ngọn níu Thành Đẳng, dân gian thường gọi là núi Ba Vàng trên độ cao khoảng 340m so với mặt nước biển. Chùa Ba Vàng được phát hiện vào năm 1987 nhờ một lão nông sinh sống tại phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được phục dựng vào triều đại vua Lê Dụ Tông, gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác Thiền sư (1658 – 1757). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được khảo cổ thì ngôi chùa còn có thể được khởi dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần, thế kỉ thứ 13. Năm 1993, Chùa được các tín đồ dựng lại bằng đá núi thay cho ngôi chùa bằng tre nứa trước đó. Năm 2007, nhân dân đã thỉnh thầy Thích Trúc Thái Minh về trụ trì. Ngày 01/01/2011, Lễ khởi công tôn tạo chùa Ba Vàng được chính thức bắt đầu. Ngày 09/3/2014 (09/2/Giáp Ngọ), Chùa Ba Vàng tổ chức Đại lễ Khánh thành giai đoạn 1 và đón nhận bằng kỉ lục “Ngôi chùa trên núi có Chính điện lớn nhất Đông Nam Á"… Tại Chùa Ba Vàng, đoàn tham quan đã dâng hương, hoà mình trong không gian văn hoá tâm linh, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

 

   

 

Điểm đến tiếp theo là Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa, nối tiếp Văn miếu trấn Hải Dương xưa, được khởi dựng từ thời Lê Sơ (thế kỉ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyền Đường An, nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang. Cùng thời Lê Sơ, trường thi Hương của trấn Hải Dương, được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Theo các nguồn tư liệu hiện còn cho biết: đầu triều Mạc, nơi đây tổ chức 4 kì thi Hội. Đến thời Tây Sơn (1788 – 1802), Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng cùng với trường thi tạo thành trung tâm văn hoá, giáo dục và diễn ra nhiều hoạt động tế lễ, học tập đông vui. Văn miếu và trường thi là nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước thời phong kiến, nêu cao truyền thống hiếu học và tôn sự trọng đạo của người tỉnh Đông. Năm 1992, Văn miếu được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Từ tháng 6/2002 – 4/2004, UBND tỉnh Hải Dương tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích với quy mô lớn, trả lại diện mạo Văn miếu xưa gồm các hạng mục: tiền tế, hậu cung, Đông vu, Tây vu, gác chuông, gác khánh, đài nghiên, tháp bút, nghi môn, Thiên Quang tỉnh, Khải thánh đường và miếu Thổ cờ. Tại đây, đoàn tham quan đã dâng hương, tưởng nhớ công lao của các bậc hiền tài; lắng nghe giới thiệu về các danh nhân được thờ tại Văn miếu, tự hào hơn với truyền thống hiếu học và khuyến học của người Việt Nam.

Chuyến du xuân đã đem lại nhiều ý nghĩa nhân sinh cũng như giáo dục sâu sắc trong lòng mỗi người tham gia.

 

Hồng Thu