Nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”

Đăng vào 27/03/2017

Ngày 22/03/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” do TS. Vũ Thị Phương Lan, Phó trưởng Bộ môn Tư pháp quốc tế là chủ nhiệm đề tài. Hội đồng tư vấn nghiệm thu đề tài bao gồm: PGS.TS. Đoàn Năng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch hội đồng; TS. Trần Minh Ngọc, Trưởng Bộ môn Tư pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, phản biện 1; ThS. Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, phản biện 2; TS. Hoàng Ly Anh, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học luật Hà Nội, ủy viên thư ký; PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, ủy viên.

 

 

Tại buổi nghiệm thu, TS. Vũ Thị Phương Lan đã báo cáo mục tiêu, nhiệm vụ cũng như các kết quả nghiên cứu đã đạt được của nhóm tác giả. Theo đó, sau hơn 10 năm thi hành, BLTTDS năm 2004 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự nói chung và vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng. Nhằm khắc phục những điểm bất cập của BLTTDS năm 2004, đáp ứng yêu cầu mới của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 cũng như các văn bản pháp luật khác, BLTTDS năm 2015 đã được Quốc hội khoá 13 thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016. Trên cơ sở so sánh với các quy định của BLTTDS năm 2004 và thực tiễn áp dụng các quy định này, Đề tài “Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” đã phân tích và đánh giá các nội dung mới của Phần thứ 7 và Phần thứ 8 của Bộ luật về các vấn đề như thẩm quyền xét xử của toà án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; địa vị pháp lý của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài trong tố tụng dân sự; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài. Trên cơ sở đó, đề tài đã chỉ ra những điểm ưu việt của các quy định mới cũng như những vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình áp dụng và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

 

 

Chủ nhiệm đề tài và các tác giả tham gia đề tài đã lắng nghe nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng tư vấn và trao đổi về các vấn đề liên quan đến đề tài.

Các thành viên Hội đồng tư vấn nghiệm thu đề tài đánh giá cao kết quả làm việc của Chủ nhiệm đề tài và các thành viên. Hội đồng tư vấn khẳng định đề tài có thể sử dụng như một tài liệu tham khảo có giá trị đối với sinh viên, các cán bộ nghiên cứu pháp lý và những người có quan tâm. Đề tài được tất cả 5 thành viên của Hội đồng tư vấn nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.

Thu Thuỷ