HỘI THẢO: “ĐỔI MỚI DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUẨN ĐẦU RA ĐỐI VỚI SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN NGỮ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI”

Đăng vào 05/06/2019

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm học 2018 - 2019, chiều ngày 24/5/2019, tại phòng Hội thảo A402, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra đối với sinh viên không chuyên ngữ tại trường Đại học Luật Hà Nội”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của “Tuần lễ nghiên cứu khoa học năm 2019” – Sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và chào mừng 40 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

 

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Lê Đình Nghị - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật Hà Nội, TS.Trần Kim Liễu - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Luật Hà Nội, ThS. Đinh Thị Phương Hoa – Phó Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên ngoại ngữ đến từ các cơ sở giáo dục như:  trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN, trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, IIG Việt Nam, và đông đảo các nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Trường Đại học Luật Hà Nội đã tiến hành tổ chức bài thi ngoại ngữ theo chuẩn  4 kỹ năng từ năm học 2017-2018 cho tất cả sinh viên trong trường. Theo đó, việc giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên cũng cần đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của bài thi chuẩn đầu ra. Hội thảo này chính là diễn đàn để các giảng viên ngoại ngữ đến từ các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ, trao đổi nhằm nâng cao trình độ, tiếp thu những phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về trình độ ngoại ngữ của sinh viên.

 

 

Hội thảo thu hút nhiều tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài trường về các lĩnh vực chuyên môn xoay quanh việc dạy và học ngoại ngữ như: đường hướng dạy học lấy sinh viên làm trung tâm, vai trò của tự học ngoại ngữ, các biện pháp tạo hứng thú học tập ngoại ngữ, phương pháp dạy học cộng tác, sử dụng báo chí trọng dạy học. Đây là các phương pháp dạy học tiên tiến, góp phần tạo hứng thú học tập đối với sinh viên và có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ.

 

 

Bên cạnh đó, các giảng viên cũng chia sẻ với nhau những khó khăn từ góc độ giảng viên cũng như khó khăn từ phía sinh viên không chuyên khi các em phải học theo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của bài thi TOEIC. Nhiều đề xuất, giải pháp, kiến nghị cũng đã được đưa ra, làm căn cứ để Trường tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu của bài thi.

 

 

Đến với hội thảo, nhiều nhà khoa học cũng chia sẻ về thực trạng đào tạo và tổ chức thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục đại học khác trong khu vực. Từ đó, các trường có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau để công tác đào tạo và tổ chức thi ngày càng hoàn thiện hơn. Nhiều sáng kiến cũng được đưa ra như: tổ chức một bài thi chuẩn ngoại ngữ chung cho các trường trong khu vực, tổ chức các nhóm học tập giữa sinh viên các trường, áp dụng chuẩn quốc tế để đánh giá năng lực của sinh viên.

Thu Trang