Hội thảo khoa học cấp trường “Giảng viên trẻ với đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Luật Hà Nội”

Đăng vào 16/10/2020

Sáng ngày 13/10/2020, tại Hội trường A402, Trường Đại học Luật đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Giảng viên trẻ với đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Luật Hà Nội”. Hội thảo có sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội và các đại biểu đến từ một số cơ sở đào tạo luật trên toàn quốc như: Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viên Tư pháp,…

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh: Trong giai đoạn vừa qua, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến các cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó có Trường Đại học Luật Hà Nội, phải nhanh chóng thích nghi bằng cách vận dụng những hình thức đào tạo phi truyền thống. Trong một thời gian ngắn, đào tạo trực tuyến đã được sử dụng một cách tương đối suôn sẻ, đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì tiến độ đào tạo của Trường, đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận lớn sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Vì vậy, Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo “Giảng viên trẻ với đào tạo trực tuyến tại trường Đại học Luật Hà Nội”. Hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới các mục đích: Tạo diễn đàn để các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trao đổi về các khía cạnh liên quan đến đào tạo trực tuyến, đồng thời làm rõ hơn vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong việc vận dụng hình thức giảng dạy trực tuyến.”

PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh chủ trì Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, các cán bộ giảng dạy, người học và cộng đồng xã hội trao đổi về những ứng dụng công nghệ trong việc giảng dạy trực tuyến, qua đó đưa ra những kiến nghị về việc phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong việc tiếp tục tận dụng thế mạnh của đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn được 10 bài viết có chất lượng để đăng trong kỷ yếu hội thảo. Các bài viết tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu: Một là, làm rõ các yêu cầu cơ bản đối với việc đào tạo trực tuyến, cụ thể là yêu cầu đảm bảo chất lượng nội dung giảng dạy; yêu cầu đảm bảo về hoạt động kiểm tra và đánh giá người học; yêu cầu đảm bảo chất lượng về hạ tầng kỹ thuật và nguồn học liệu. Hai là, thực trạng nguồn nhân lực giảng viên trẻ tại Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như là bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức, vận hành đào tạo trực tuyến tại Trường thời gian gần đây. Ba là, giới thiệu và phân tích thực tiễn giảng dạy trực tiễn ở một số bộ môn như Luật Hành chính và tố tụng hành chính tại Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, bộ môn Giáo dục thể chất – Trường Đại học Luật Hà Nội,… Bốn là, đánh giá hiệu quả của việc áp dụng mô hình Blended Learning trong hoạt động giảng dạy Tiếng Anh tại Trường Đại học Luật Hà Nội, đồng thời đưa ra các yếu tố đảm bảo đối với họa động đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học. Các bài tham luận trong Hội thảo cho thấy sự phong phú, đa dạng với các góc tiếp cận đa chiều trong việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào giáo dục đại học, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phương Thảo