Hội thảo Quốc tế “Pháp luật Bảo hiểm y tế của Đức và Việt Nam – Tiếp cận từ góc độ so sánh và những đề xuất cho Việt Nam” trong khuôn khổ “Tuần lễ pháp luật Việt – Đức”

Đăng vào 17/10/2020

Ngày 16/10/2020, tại Hội trường A.402, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Pháp luật Bảo hiểm y tế của Đức và Việt Nam – Tiếp cận từ góc độ so sánh và những đề xuất cho Việt Nam” trong khuôn khổ “Tuần lễ pháp luật Việt – Đức”.

Tham dự Hội thảo có ông Axel Blaschke – Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; TS.Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội; Đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhà nước và pháp luật, Báo pháp luật Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Axel Blaschke – Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có CHLB Đức và Việt Nam. Được sự đồng ý của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu Trường ĐHLHN, hôm nay, Trường ĐHLHN tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Pháp luật Bảo hiểm y tế của Đức và Việt Nam – Tiếp cận từ góc độ so sánh và những đề xuất cho Việt Nam” trong khuôn khổ “Tuần lễ pháp luật Việt – Đức”. Hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới mục đích là tạo diễn đàn để các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, học viên, sinh viên trao đổi từ góc độ khoa học về quy định pháp luật bảo hiểm y tế của Đức và Việt Nam; Làm rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật bảo hiểm y tế nói riêng, qua đó sẽ góp phần nâng cao tri thức pháp lý về an sinh xã hội nói chung; Đồng thời, hội thảo nhằm so sánh, đối chiếu pháp luật của hai quốc gia về các nội dung cơ bản như đối tượng tham gia, quyền lợi, chế độ hưởng cũng như vấn đề tài chính,…”.

TS. Trần Quang Huy chủ trì Hội thảo

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 11 bài báo cáo để đăng trong kỷ yếu Hội thảo. Với chuyên đề “Tổng quan pháp luật bảo hiểm y tế Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương - Phó viện trưởng Viện Luật So sánh trình bày: Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời như một nhu cầu tất yếu của con người trong cuộc sống vì mục đích bảo vệ cho sức khỏe cho người dân khi gặp những rủi ro, bệnh tật. Ở Việt Nam BHYT là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia có vai trò đảm bảo thanh toán chi phí y tế trực tiếp cho người tham gia không nhằm mục đích thương mại. Định hướng BHYT toàn dân đã chính thức thực hiện từ năm 2006 và liên tục được xác định là chính sách lớn của Đảng và nhà nước ta. Bên cạnh những thành công vượt bậc trong thực hiện BHYT toàn dân, Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đã đề ra đến năm 2025 và 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương trình bày chuyên đề

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí và Ths. Đoàn Xuân Trường (Khoa Pháp Luật Kinh tế) báo cáo về “Pháp luật bảo hiểm y tế hộ gia đình ở Việt Nam”. PGS.TS Nguyễn Hữu Chí nhấn mạnh “BHYT hộ gia đình là một nội dung của BHYT nói chung. Thực hiện BHYT hộ gia đình là một trong những cách thức quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân. BHYT hộ gia đình là loại hình bảo hiểm mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội cũng như bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.”

PGS.TS Nguyễn Hữu Chí báo cáo về “Pháp luật bảo hiểm y tế hộ gia đình ở Việt Nam”

Các đại biểu, chuyên gia tới dự Hội thảo đã thảo luận, góp ý, phản biện nhiều nội dung như: Thực hiện Pháp luật bảo hiểm y tế từ góc độ nghĩa vụ công dân ở Việt Nam; Tổng quan về các cấu trúc cơ bản của bảo hiệm y tế theo luật định ở Đức; Chế độ hưởng bảo hiểm y tế trong pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức; Pháp luật về bảo hiểm y tế và chăm sóc y tế cơ bản đối với trẻ em, người nghèo và đối tượng trợ giúp xã hội ở Việt Nam… Từ đó, các chuyên gia đưa ra những kiến nghị, định hướng để hoàn hiện pháp luật về bảo hiểm y tế tại Việt Nam.

Thời gian tới, bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm y tế, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách bảo hiểm y tế...

Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế nhằm hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Phương Thảo