Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức các hội thảo khoa học cấp trường

Đăng vào 30/09/2022

Sáng 30/9, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật quốc tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” và Hội thảo khoa học cấp trường trọng điểm với chủ đề “Hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”.

Ban tổ chức và đại biểu cùng nhau lưu giữ kỉ niệm tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó trưởng Phòng Phòng Sau Đại học; TS. Trần Minh Ngọc - Trưởng Khoa Pháp luật quốc tế; TS Nguyễn Thị Hồng Yến - Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Pháp luật quốc tế; PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hải - Phó Viện trưởng Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Đào Gia Phúc - Viện trưởng Viện luật quốc tế và so sánh, Trường Đại học kinh tế luật, Đại học quốc gia TP. HCM; TS Kiều Thị Thuỳ Linh – Phó Trưởng Khoa luật, Học viện Phụ nữ cùng các thầy cô, sinh viên quan tâm đến hội thảo.

Nhằm nâng cao nhận thức, tiếp cận và cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời đánh giá những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo “Pháp luật quốc tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng cho biết Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kể từ hình thành đã tạo ra những biến đổi to lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, không gian mạng đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho xã hội, đồng thời cũng chứa đựng những nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đi cùng với những biến đổi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã thay đổi nhận thức của nhân loại về tài nguyên số cũng như chủ quyền quốc gia. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh quốc gia ngày nay không còn giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn cả trên không gian mạng - nơi hàng ngày diễn ra vô số hoạt động của cá nhân, tổ chức và của cả các quốc gia. Đối với Việt Nam, đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, có thể ứng dụng công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, những công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội thì việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia là thực sự cần thiết. Với phương thức thảo luận là thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, TS Chu Mạnh Hùng hy vọng và tin tưởng rằng Hội thảo này sẽ là những ngày hội thực sự về trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia. Kết quả của Hội thảo sẽ là những đóng góp quan trọng từ phương diện pháp lý và thực tiễn của giới học giả nhằm hiến kế cho các nhà lập pháp trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh mới.

TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu sẽ được nghe tham luận về “Bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia trong  bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”, “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người”; “Phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”; “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề hội    nhập kinh tế trong khu vực ASEAN”; “Luật Môi trường quốc tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứTư”; “Quyền được ngắt kết nối trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Sau một khoảng thời gian thảo luận sôi nổi, buổi hội thảo đã đem đến cho các đại biểu, giảng viên, các bạn sinh viên những kiến thức bổ ích về Pháp luật quốc tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường trọng điểm “Hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay” dưới sự chủ trì của TS Ngọ Văn Nhân - Trưởng Khoa Lí luận chính trị. 

 

Thời đại mà mỗi người Việt Nam chúng ta đang sống được vinh dự mang tên thời đại Hồ Chí Minh - thời đại khởi đầu bằng mốc son chói lọi: Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Từ đây, trong các loại văn bản pháp quy, công văn, giấy tờ hành chính, bên dưới quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) luôn xuất hiện tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” - thể hiện khát vọng chảy bỏng, mục tiêu rõ ràng, cụ thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn hằng mong muốn và quyết tâm phải giành lấy, phải đạt cho bằng được - đó là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Giành được nền độc lập cho dân tộc, đất nước là điều kiện tiên quyết để mang lại các quyền tự do cho nhân dân. Đến lượt mình, nền độc lập và các quyền tự do lại là nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước ta chăm lo, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Tựu trung, tất cả đều vì hạnh phúc của nhân dân. Khởi đầu, đặt nền móng vững chắc cho khát vọng, mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân bằng sự cống hiến “cả một đời vì nước vì non” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, cho đến hôm nay và mãi mai sau, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” vẫn luôn là mục tiêu tối thượng, xuyên suốt của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các nhà giáo, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ quan điểm, cùng nhau thảo luận phân tích, làm sáng tỏ các vấn đề từ lý luận đến thực tiễn về hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay; tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự; về chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh; về dân chủ, thực hành dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm.v.v. Tất cả đều hướng tới mục tiêu tối thượng là chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS Ngọ Văn Nhân cho biết trong quá trình chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được 20 tham luận của các nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài Trường. Tuy nhiên, do điều kiện về thời gian, buổi hội thảo của chúng ta chỉ diễn ra trong nửa ngày, chủ đề và nội dung rất sâu rộng, phong phú nên cá nhân tôi trân trọng đề nghị, 08 báo cáo tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo tập trung nêu bật được những kết quả chính của nghiên cứu, từ đó dành nhiều thời gian để các quý vị đại biểu thảo luận về các nội dung của các báo cáo cũng như các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề hội thảo, qua đó đề xuất được đến các các cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo cho hạnh phúc nhân dân Việt Nam.

TS Ngọ Văn Nhân - Trưởng Khoa Lí luận chính trị phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ được lắng nghe tham luận về "Tổng quan về hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay", "Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập gắn với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân"; "Xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân - Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam', " Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống phá chủ nghĩa cá nhân, nói đi đối với làm và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", "Vai trò của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong xây dựng nền hành chính vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay", "Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đổi mới đất nước vì hạnh phúc nhân dân", "Đảng Cộng sản Việt Nam với mục tiêu phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân", "Xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, bảo đảm điều kiện hưởng thụ văn hoá của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại học XIII của Đảng". 

ThS Nguyễn Thanh Hương - Giảng viên Khoa Lí luận chính trị dẫn đề Hội thảo