Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chính sách và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô”

Đăng vào 11/11/2022

Sáng 11/11, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chính sách và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô” thuộc Đề tài khoa học cấp Thành phố “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội”.

Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương là vấn đề có tầm quan trọng, được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Đây vừa là yêu cầu cũng vừa là cách thức để thực hiện quyền lực nhà nước theo sự ủy quyền của nhân dân cho các cơ quan nhà nước. Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương thể hiện quan niệm của Đảng, Nhà nước về vai trò của các cấp chính quyền địa phương, hướng đến phát huy hiệu quả bộ máy nhà nước nói chung trong giải quyết tốt các vấn đề của đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, nội dung về phân cấp, phân quyền có vai trò rất quan trọng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô. Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, nâng tầm vị thế của Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Tuy nhiên, trong thời qua, Luật Thủ đô đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, trong đó có nhiều về nội dung về phân quyền, phân cấp trong các lĩnh vực, điều này đã phần nào gây khó khăn cho thành phố Hà Nội trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao và làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi  Luật trong thực tiễn.Xuất phát từ lý do trên, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Trường Đại học Luật Hà Nội triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội”.

Về phía Bộ, Ban, Ngành Trung ương có sự hiện diện của Ông Nguyễn Trọng Hoà – Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức các bộ ban tổ chức Trung ương; Bà Hoàng Thị Ngân – Nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức hành chính Nhà nước và công vụ Văn phòng Chính phủ; Bà Thái Thị Hải Yến – Trưởng phòng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp; Bà Dương Thanh Mai – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Thành – Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm; Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà – Phó Ban Pháp chế HĐND huyện Mỹ Đức; Ông Đào Duy Hải – Phó trưởng phòng Pháp chế chính sách nhà ở Sở xây dựng Hà Nội; Bà Tống Thị Thanh Nam – Nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; Ông Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên cho biết Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức thành công, tiếp thu được nhiều ý kiến có giá trị quý để hoàn thiện Đề tài từ 3 Hội thảo: Hội thảo 1 Cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền; Hội thảo 2: Thực trạng phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; Hội thảo 3: Quan điểm, định hướng, nội dung, giải pháp phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội. Hôm nay, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội thảo 4 với chủ đề Chính sách và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thủ đô” nhằm mục đích tạo diễn đàn để các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm thực tiễn cùng các thầy cô giáo và các em sinh viên, học viên cùng nhau bàn luận, phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, qua đó chỉ ra những vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó đề xuất những quan điểm, định hướng, chính sách, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, nhất là các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội.

Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo

TS Đoàn Trung Kiên hy vọng các nhà khoa học tập trung nêu bật được những kết quả chính của nghiên cứu, từ đó dành nhiều thời gian để các quý vị đại biểu, các nhà khoa học thảo luận về các nội dung của các báo cáo cũng như các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề hội thảo, đề xuất được các kiến nghị cụ thể để góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô nói chung, trước hết là các quy định về phân câp, phân quyền tại Luật này.

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe tham luận về thực tiễn thực hiện Luật Thủ đô về phân cấp, phân quyền và quan điểm, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô của TS Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính nhà nước; Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và mô hình chính quyền Thành phố Hà Nội của TS Hoàng Thị Ngân – Nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ Văn phòng Chính phủ; Một số đề xuất về cơ chế phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội của TS Chu Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; Tăng thẩm quyền của Thủ đô nhằm nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô của TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam; Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định Luật Thủ đô năm 2021 tạo cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô của Ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp.

Một số hình ảnh tại Hội thảo