Hội thảo Góp ý báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài thuộc Đề tài khoa học cấp Thành phố “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội” và đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hà Nội”.

Đăng vào 11/11/2022

Chiều 11/11, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức chuỗi Hội thảo khoa học cấp Thành phố dưới sự đồng chủ trì của TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường và TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn để các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm thực tiễn cùng các thầy cô giáo và các em sinh viên, học viên cùng nhau bàn luận, đánh giá, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của hai đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội” và “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở TP Hà Nội”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, vấn đề tổ chức chính quyền địa phương cũng như vấn đề phân quyền, phân cấp giữa trung ương và chính quyền địa phương là vấn đề có tầm quan trọng, được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 và nhiều văn bản pháp luật khác. Tổ chức chính quyền địa phương và phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò của chính quyền địa phương, hướng đến phát huy hiệu quả bộ máy nhà nước nói chung trong giải quyết tốt các vấn đề của đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và quản trị quốc gia.

TS Chu Mạnh Hùng phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Theo TS Chu Mạnh Hùng, TP Hà Nội hiện có nhiều khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng vẫn thực hiện quản lý, điều hành bởi các quy định áp dụng chung với khu vực nông thôn nên đã bộc lộ không ít bất cập. Mặc dù đã có văn bản riêng để điều chỉnh là Luật Thủ đô năm 2012, cùng với đó là Nghị quyết số 97/2012/QH14 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới, nhưng vấn đề tổ chức chính quyền đô thị của TP và vấn đề phân cấp, phân quyền ở TP vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc. Bộ máy chính quyền đô thị chưa thực sự hợp lý, tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; phân quyền, phân cấp chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đi kèm nguồn lực cũng như gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm soát quyền lực... đã phần nào gây khó khăn cho TP Hà Nội trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý vào các nội dung như thực tiễn phân cấp, phân quyền tại TP Hà Nội hiện nay; thực trạng thí điểm mô hình chính quyền đô thị và áp dụng quy định về phân cấp, phân quyền của TP Hà Nội; các giải pháp nâng cao hiệu quả phân cấp, phân quyền ở TP Hà Nội trong thời gian tới; các giải pháp nâng cao hiệu quả phân cấp, phân quyền ở TP Hà Nội trong một số lĩnh vực cụ thể.