Hội thảo khoa học trọng điểm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đăng vào 09/03/2023

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết số 170 ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hoà Bình & Phát triển Việt Nam và Viện Nghiên cứu Lập pháp đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Hội thảo nhận được hơn 40 lượt đăng ký viết bài, sau khi thẩm định có 32 bài đạt yêu cầu để đưa vào kỷ yếu Hội thảo, trong đó có 22 bài của tác giả ngoài Trường ở các cơ quan đơn vị khác nhau trên cả nước. Các báo cáo đều tập trung vào góp ý trực tiếp cho các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có lập luận khoa học cùng nhiều giải pháp có giá trị tham khảo đối với Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan lập pháp và các cơ quan liên quan. Hội thảo nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong công tác xây dựng và ban hành chính sách pháp luật về đất đai đã và đang công tác tại các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, cũng như các học giả, nhà nghiên cứu của nhiều trường đại học trên cả nước.

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có GS.TS. Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo; TS. Chu Mạnh Hùng - Bí Thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; Các Phó Hiệu trưởng: TS. Lê Đình Nghị; PGS.TS Tô Văn Hòa; TS. Trần Quang Huy - Nguyên phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế; GS.TS. Nguyễn Minh Đoan - Nguyên Phó Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước cùng đông đảo các lãnh đạo đơn vị thuộc Trường, các giảng viên và sinh viên.

Ảnh toàn cảnh Hội thảo

Về phía Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam có PGS.TS. Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Chủ tịch Quỹ; Ông Trần Đắc Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ.

Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp có TS. Nguyễn Văn Hiển  - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp.

Về phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có TS. Nguyễn Quỳnh Liên – Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều đại diện các Ủy ban, tổ chức trực thuộc.

Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật; Ông Hoàng Anh Công – Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bà Trần Thị Vân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh; Ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội; GS.TS. Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật; Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật; Ông Nguyễn Đình Bồng - Phó Chủ tịch Hội khoa học đất Việt Nam. PGS.TS. Trần Quốc Toản – Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ông Ngô Sách Thực – Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật nhận được sự quan tâm rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã đến các hộ gia đình, cá nhân từ thành thị đến nông thôn, từ khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh đến các vùng có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Bởi lẽ, đất đai không chỉ là nguồn lực sản xuất đảm bảo sinh kế cho hơn 70% dân số Việt Nam mà còn là nơi sinh sống, nơi lao động sản xuất, là quê hương nơi gắn bó máu thịt với mỗi con người, tổ chúc chúng ta. Do đó, đất đai nói chung và lĩnh vực pháp luật đất đai nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm chú ý, đồng thời tác động của đất đai, chính sách, pháp luật đất đai đến chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội cũng vô cùng mạnh mẽ. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đây là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. 

Từ sáng kiến của PGS.TS. Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam về việc tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Trường Đại học Luật Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ và đồng tổ chức của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp. 

Xuyên suốt và nhất quán thực hiện lời chỉ đạo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chiến lược phát triển của Nhà trường đã xác định đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá tư tưởng pháp lý là ba sứ mạng trụ cột, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay là sự kiện khoa học đáp ứng được cả ba mục tiêu đó.

Để thực hiện Chiến lược phát triển Trường và Đề án tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Trường Đại học Luật Hà Nội rất khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng Trường trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước. Chính vì vậy, thời gian gần đây, việc hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức khoa học, cơ quan Nhà nước, các hiệp hội được đẩy mạnh và hiệu quả thông qua các thỏa thuận hợp tác. Hội thảo hôm nay được tổ chức là một trong những thành quả của sự hợp tác, phối hợp hiệu quả giữa Trường và 03 đơn vị đối tác.

Thay mặt lãnh đạo Trường, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu chào mừng, gửi lời cảm ơn tới Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các đơn vị nêu trên đã đồng hành, hỗ trợ nhà Trường trong suốt những năm qua cũng như trong việc tổ chức Hội thảo này. Trường Đại học Luật Hà Nội mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của lãnh đạo của 03 đơn vị cũng như tất cả các quí vị đại biểu đang có mặt tại Hội thảo để Nhà trường thực hiện thành công sứ mạng của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

TS. Đoàn Trung Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, PGS.TS. Hà Hùng Cường - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

PGS. TS. Hà Hùng Cường phát biểu dẫn đề Hội thảo

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện pháp luật chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai còn bất cập; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường v.v., dẫn đến hậu quả là nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; số lượng khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế và chưa thật sự thuyết phục.

Với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết số 18-NQ/TW với 05 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi pháp luật về đất đai, đây là định hướng chính trị quan trọng đã được Chính phủ xác định trong sửa đổi Luật đất đai lần này.

Ngoài việc lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày, việc lấy ý kiến cần được tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất. Đây đều là những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong những năm qua, đồng thời dự thảo cũng đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định pháp luật đất đai thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia và góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh như mong muốn của Đảng và Nhà nước.

PGS.TS. Hà Hùng Cường - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng và xúc động khi được tham gia và chủ trì Hội thảo ngày hôm nay với sự tham gia của 4 đơn vị đồng tổ chức là Trường Đại học Luật Hà Nội, Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp. Hội thảo chắc chắn sẽ có tiếng vang đối với xã hội nói chung và các cơ quan có trách nhiệm trong việc soạn thảo và ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng. 

PGS.TS. Hà Hùng Cường hy vọng ngoài các bài phát biểu trong chương trình, Hội thảo còn được lắng nghe những quan điểm, ý kiến quý báu của mỗi quý vị đại biểu, từ góc nhìn của mình, đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). PGS.TS. Hà Hùng Cường cũng đề nghị Ban tổ chức Hội thảo có thể tập hợp các quan điểm, đóng góp tại Hội thảo thành văn bản góp ý chung của các đơn vị đồng tổ chức để gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan khác có liên quan để góp thêm những ý kiến đóng góp có giá trị, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của giới luật học đối với Dự thảo Luật rất quan trọng này, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong những thập niên tới.

Hội thảo lắng nghe các báo cáo của các chuyên gia: TS. Nguyễn Văn Pha - Nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia; TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch; TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Trần Quang Huy -Nguyên phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Nga - Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS,TS. Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế và TS. Nguyễn Tiến Cường – Phó Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội nông dân Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Văn Pha -  Nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tham luận

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia phát biểu tham luận

Sau gần 4 giờ đồng hồ, Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã lắng nghe 07 báo cáo chất lượng nằm trong số 32 báo cáo được lựa chọn đăng trên kỷ yếu hội thảo. Hội thảo cũng nhận được 09 lượt phát biểu góp ý hơn 40 ý kiến tại hội thảo hôm nay. Từ những vấn đề có tính chất vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể như kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho đến những vấn đề liên quan thiết thực đến mọi tổ chức, cá nhân như cơ chế giao đất, cho thuê đất, tài chính đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hay việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, của chủ thể có yếu tố nước ngoài v.v

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn và pháp luật phát biểu ý kiến

GS.TS. Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên HIệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu ý kiến

Phát biểu bế mạc, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên nhận thấy tất cả những ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào nội dung của dự thảo Luật Đất đai đang được Quốc hội, Chính phủ xin ý kiến nhân dân, thể hiện được tinh thần cống hiến, tri thức khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Những ý kiến đóng góp từ các báo cáo cũng như các phát biểu trực tiếp tại hội thảo hôm nay sẽ được Ban tổ chức biên tập ra 01 số Tạp chí Luật học (số đặc biệt vào tháng 4/2023), đồng thời chắt lọc thành văn góp ý bản gửi đến các cơ quan tham gia soạn thảo và ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) để góp thêm tiếng nói của các chuyên gia và của người dân trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với mục đích có được một đạo luật tốt hơn như tinh thần của Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thay mặt các đơn vị đồng chủ trì và thay mặt Trường Đại học Luật Hà Nội, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên chân thành cảm ơn sự quan tâm tham dự các quy vị đại biểu. Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên gửi lời cảm ơn sự hiện diện và tham gia tích cực của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị phối hợp tổ chức; Các đồng chí là đại biểu Quốc hội, nguyên là đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp v.v.. Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên cũng đặc biệt cảm ơn sự quan tâm tham dự, có bài viết và phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trên cả nước cùng các cơ quan báo chí, truyền thông đã tham dự và đưa tin và lan tỏa về sự thành công của Hội thảo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế phát biểu bài tham luận

PGS.TS. Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế phát biểu tham luận

TS. Trần Quang Huy - Nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tham luận

Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VIệt Nam

PGS.TS. Trần Quốc Toản - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu ý kiến

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật

Bà Trần Thị Vân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến

Ảnh tập thể Hội thảo