Các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam cùng nhau hợp tác để không ngừng “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay”

Đăng vào 12/03/2023

Ban điều hành Mạng các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam chọn Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo lần thứ IV với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học

Sáng ngày 12.3, Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay” đã được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ với sự tham dự của hơn 30 đơn vị đào tạo luật trong cả nước. Đây là cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.

Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam (Vietnamese Law School Network -VLSN) được thành lập vào năm 2019 dưới sự điều hành của TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban điều hành mạng lưới. Sau nhiều năm hoạt động, vào tháng 5/2022, Trường Đại học Luật Hà Nội đã chuyển giao quyền điều hành của Mạng lưới cơ sở đào tạo luật Việt Nam cho Trường Đại học Kinh Tế Luật TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những bước phát triển mới nhất của hệ thống đào tạo luật ở Việt Nam.

Hội thảo diễn ra với sự có mặt 06 thành viên Ban điều hành mạng lưới VLSN gồm PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế -  Luật; TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Luật Hà Nội, Thành viên Ban điều hành; PGS.TS Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Thành viên Ban điều hành; PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên Ban điều hành; PGS.TS Vũ Văn Nhiệm - Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Luật Hà Nội TP Hồ Chí Minh, Thành viên Ban điều hành; PGS.TS Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Khoa Luật Đại học Cần Thơ.

06 thành viên Ban Điều hành mạng lưới VLSN

Với mục tiêu hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hội thảo mở đầu cho quá trình gắn kết sâu rộng giữa Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ với các cơ sở thực hành luật trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là yếu tố cần thiết tạo dựng môi trường rèn luyện kỹ năng thiết thực cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực luật tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, cho biết nhiều năm qua, Khoa Luật là một trong những đơn vị đã thu hút được rất nhiều sinh viên, với điểm tuyển sinh thuộc nhóm cao nhất của Trường. GS. TS. Hà Thanh Toàn hy vọng qua Hội thảo này sẽ mở ra cơ hội, môi trường giao lưu, kết nối giữa Khoa Luật trường ĐH Cần Thơ với các cơ sở đào tạo luật uy tín trong cả nước. Nhà trường cũng hy vọng Hội thảo này sẽ mở đầu cho quá trình gắn kết xa hơn, sâu rộng hơn giữa Trường mà cụ thể là Khoa Luật với các cơ sở thực hành luật trong và ngoài vùng ĐBSCL. Đây là yếu tố cần thiết tạo dựng môi trường rèn luyện kỹ năng thiết thực cho các em sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo của Nhà trường.

Tại buổi Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam cho biết Hội thảo tạo diễn đàn để các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến hợp tác trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành luật hướng tới phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế của đất nước.

Chương trình Hội thảo chia làm 2 phiên với 45 tham luận là các vấn đề đào tạo luật trong xu thế hiện nay; cách thức thúc đẩy chất lượng đào tạo luật phù hợp với thực tiễn và tình hình xã hội - kinh tế được trình bày từ các báo cáo viên là đại diện các đơn vị đào tạo luật, giảng viên, sinh viên.

PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế -  Luật; TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Luật Hà Nội, Thành viên Ban điều hành; PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên Ban điều hành tại Hội thảo khoa học 

Tại Hội thảo, có sáu tham luận được trình bày nội dung xoay quanh các vấn đề đào tạo luật trong xu thế hội nhập hiện nay; các cách thức thúc đẩy chất lượng đào tạo luật phù hợp với thực tiễn.. Ngoài các báo cáo tham luận, tại hai phiên thảo luận diễn ra trong Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy, đào tạo ngành luật phù hợp với thực tiễn.