Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học

Đăng vào 18/05/2023

Nhân 10 năm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 – 18/5/2023), Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn PGS.TS. Tô Văn Hoà – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội.

PGS.TS Tô Văn Hoà - Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội.

- Năm 2013 Quốc hội thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, theo đó thống nhất chọn ngày 18/5 hằng năm là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Thưa PGS.TS. Tô Văn Hoà, được biết, 10 năm qua cũng là chặng đường ghi nhận nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội, ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của Nhà trường?

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại, Trường Đại học Luật Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học.

Trường Đại học Luật Hà Nội đã chủ trì bảo vệ thành công 04 đề tài cấp Nhà nước (03 đề tài là nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước và 01 đề tài NAFOSTED), 30 đề tài cấp Bộ và tương đương (trong đó có 02 đề tài khoa học cấp thành phố của Thành phố Hà Nội, 28 đề tài khoa học cấp Bộ). Các đề tài đều được Hội đồng đánh giá cao về chất lượng và giá trị lý luận cũng như thực tiễn, cung cấp luận chứng, luận cứ khoa học góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan, đề xuất được những cơ chế, chính sách vượt trội, khả thi nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đối với đề tài khoa học cấp cơ sở, 10 năm qua ghi nhận bước nhảy vọt về số lượng đề tài: Trường đã nghiệm thu 291 đề tài cấp cơ sở trong đó có 36 đề tài nghiên cứu và 11 đề tài ứng dụng. Về chất lượng, các đề tài nghiên cứu đã bám sát yêu cầu triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập của nhà trường, đồng thời góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật. Các đề tài đều là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo luật nói chung.

Từng bước hiện thực hoá các quy định của Nhà nước về khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, Trường đã thành lập được 12 nhóm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu tập hợp nhiều nhà khoa học đầu ngành của Trường và lĩnh vực khoa học pháp lý, được coi là nền tảng cho các nghiên cứu mang tính dẫn dắt cũng như các công bố quốc tế. Các giảng viên, nhà khoa học của Trường đã công bố 142 công trình quốc tế, trong đó có 53 bài báo khoa học thuộc danh mục tạp chí ISI/SCOPUS, 69 bài báo quốc tế khác, 20 chương sách quốc tế; mỗi năm công bố khoảng 200 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước.

Hội thảo, toạ đàm do Trường tổ chức ngày càng huy động được sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, thu hút sự chú ý của công luận, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. Trong 10 năm, Trường đã tổ chức 475 hội thảo, tọa đàm các cấp, trong đó: 61 hội thảo, tọa đàm quốc tế, 06 hội thảo trọng điểm, 116 hội thảo cấp Trường, 290 hội thảo, tọa đàm cấp khoa.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được đẩy mạnh, phát triển về quy mô, nâng cao về chất lượng và tiếp tục là điểm sáng. Chất lượng các đề tài dự thi được ngày càng được đánh giá cao, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tập trung vào những chủ đề mang tính thời sự, pháp lý thu hút sự quan tâm của xã hội. Từ năm 2013 đến nay, đã có 1367 đề tài tham dự cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường, trong đó có 74 giải Nhất, 142 giải Nhì và nhiều giải Ba, giải Khuyến khích. Trong số các đề tài đạt giải cấp Trường, nhiều đề tài được chọn gửi tham gia và đạt giải tại cuộc thi nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trong đó có 9 đề tài đạt giải Nhì cấp Bộ, 1 đề tài đạt giải Nhất Eureka, nhiều sinh viên tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi khác như Hòa giải thương mại quốc tế, Diễn án Luật nhân đạo quốc tế V-moot...

Trường cũng tiếp tục chủ trương đẩy mạnh hoạt động công bố các kết quả nghiên cứu có chất lượng dưới hình thức sách chuyên khảo, tiếp tục triển khai viết mới giáo trình, tập bài giảng phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu với trung bình 40 lượt giáo trình được xuất bản/năm. Các sách chuyên khảo do Trường xuất bản nhận được sự quan tâm của đông đảo giới khoa học có thể kể đến như: “Pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”, “Luật học Việt Nam – Những vấn đề đương đại”, “Pháp luật kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”… Công tác phát hành giáo trình có nhiều tăng nhanh về số lượng và ngày càng mở rộng về thị trường, đối tác là các đơn vị, cơ sở giáo dục trong cả nước.

Tạp chí Luật học của Trường giữ vững uy tín, thương hiệu, tiếp tục được Hội đồng giáo sư Nhà nước đánh giá cao. Trong những năm qua, Tạp chí đã và đang có nhiều cải cách, đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển trong bối cảnh hội nhập để tiến tới trở thành tạp chí uy tín trong khu vực mà trước hết được vào hệ thống trích dẫn của khu vực ASEAN (Asean Citation Index - ACI). Bên cạnh các số thường kỳ bằng tiếng Việt, Trường đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và đã xuất bản số tiếng Anh (2 số/năm).

Thưa PGS.TS. Tô Văn Hoà, Quyết định số 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đã đặt ra nhiều mục tiêu cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường đến năm 2030, ông có thể cho biết thêm về các mục tiêu cũng như giải pháp để thực hiện các mục tiêu đó?

Với nền móng vững chắc được các thế hệ cán bộ, viên chức của Trường xây dựng và vun đắp, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Đề án 1156, Trường Đại học Luật Hà Nội xác định tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong những năm tiếp theo với các mục tiêu và giải pháp.

Cụ thể là, Trường tiếp tục duy trì và khẳng định vị thế cơ sở đào tạo luật hàng đầu mang tính dẫn dắt trong hệ thống cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng nghiên cứu cơ bản có chiều sâu, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng; tăng cường chất lượng, số lượng các sản phẩm khoa học và công bố quốc tế; phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh; nâng cao khả năng tự chủ, hợp tác trong nước và quốc tế về hoạt động khoa học và công nghệ.

Đến năm 2025, Trường phấn đấu có 100% giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, 85% giảng viên có trình độ tiến sĩ chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề tài, đề án khoa học và công nghệ các cấp; công bố ít nhất 50 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới; bình quân mỗi năm trong giai đoạn thực hiện 5-10 đề tài cấp quốc gia hoặc cấp Bộ, cấp tỉnh; có ít nhất 01 - 02 nghiên cứu hợp tác với các đối tác quốc tế; tổ chức bình quân 05 hội thảo quốc gia, quốc tế; xuất bản khoảng 10 sách chuyên khảo.

Đến năm 2030, mỗi năm công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu mỗi năm công bố từ 0,3 bài báo quốc tế trở lên, có 10 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài; bình quân mỗi năm trong giai đoạn thực hiện 6-13 đề tài khoa học cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ, ngành, địa phương; tổ chức bình quân 07 hội thảo quốc gia, quốc tế/năm; xuất bản khoảng 15 sách chuyên khảo/năm.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Trường sẽ tiếp tục đa dạng hóa, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, chú trọng công bố kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế. Thực hiện chính sách khuyến khích đối với hoạt động khoa học và công nghệ của Trường để phát huy tiềm lực khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và viên chức của Trường, đảm bảo kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy và phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện, thực hiện chính sách, pháp luật, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp.

Sử dụng một phần kinh phí đối ứng từ nguồn thu sự nghiệp của Trường để thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và tương đương; Tăng cường thu hút, phát huy trí tuệ, hàm lượng chất xám của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành vào các hoạt động xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Phát triển quan hệ hợp tác sâu, rộng về khoa học và công nghệ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường các nguồn lực, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Trường.

Nâng cao tính quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua hợp tác để thực hiện các dự án nghiên cứu có tài trợ quốc tế, tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học quốc tế, hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài để thực hiện các nghiên cứu chung, hợp tác để công bố quốc tế; Chú trọng và thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành luật và các lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực khoa học chính trị, khoa học xã hội - nhân văn và các khía cạnh pháp lý của một số ngành khoa học tự nhiên có vai trò then chốt trong sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Diễn đàn Luật học và Phát triển của Trường nhiều năm nay nhận được sự quan tâm đông đảo của giới khoa học pháp lý, ông có thể cho biết thêm về các sự kiện sắp diễn ra trong Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2023?

Là điểm nhấn của hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường trong những năm gần đây, hưởng ứng chủ đề năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ phát động “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”, năm 2023 Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Diễn đàn Luật học và Phát triển với nhiều hoạt động.

Như: Hội thảo khoa học cấp Trường trọng điểm “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (sáng Thứ Sáu, ngày 26/5/2023); Toạ đàm khoa học quốc tế “Chính sách và kinh nghiệm công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus” (chiều Thứ Sáu, ngày 26/5/2023). Hội thảo khoa học “Hoàn thiện hệ thống pháp luật qua 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (sáng thứ Ba, ngày 30/5/2023).

Hội thảo khoa học Công bố kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2023 (sáng thứ Tư, ngày 31/5/2023); Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023”, Lễ phát động cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024” (chiều Thứ Tư, ngày 31/5/2023).

Với chủ đề “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” các hoạt động của Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2023 sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm đào tạo luật học lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam, thể hiện trách nhiệm xã hội, sự tiên phong và mong muốn góp phần tích cực hơn nữa trong tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước của Trường Đại học Luật Hà Nội.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Báo Pháp luật Việt Nam