Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016”

Đăng vào 10/06/2023

Sáng 10/6/2023, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) và Tạp chí Thông tin & Truyền thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016”.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo cùng đại diện của nhiều cơ quan báo chí, cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo… trên cả nước. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có sự tham dự của TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS. Tô Văn Hoà – Phó Hiệu trưởng và các chuyên gia, nhà khoa học của Trường có tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển, đồng thời nhanh chóng điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, sau 6 năm có hiệu lực thi hành, Luật Báo chí đã có một số quy định bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. Điều này là tất yếu trước bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại và báo chí cũng không đứng ngoài xu thế này. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội thảo

Về phía Bộ Tư pháp, trong phần phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo và cho rằng đây là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp, trực tiếp là Trường Đại học Luật Hà Nội với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016. Trên cơ sở quá trình nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia, các cơ quan báo chí, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Báo chí 2016, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thông cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua về công tác báo chí để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là thông tin hữu ích trong quá trình tham mưu, thẩm định, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016 cũng như đề xuất đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thời gian tới.

TS. Nguyễn Ngọc Bích - Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận đến từ cơ quan quản lý báo chí, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí, luật học và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Ngay từ rất sớm, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tích cực, chủ động tham gia sâu vào công tác tổ chức Hội thảo, đặc biệt huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học cùng đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị cho Hội thảo. Các tham luận và ý kiến phát biểu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại Hội thảo, cùng với nhiều ý kiến thảo luận tập trung đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí, gợi mở những vấn đề cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới./.