Hội thảo khoa học cấp Trường “Hợp tác tư pháp và nội vụ của Liên minh châu Âu: những gợi mở đối với hợp tác Việt Nam – EU trong bối cảnh mới”

Đăng vào 27/09/2023

Sáng 27/9, Hội thảo khoa học cấp Trường “Hợp tác tư pháp và nội vụ của Liên minh châu Âu: những gợi mở đối với hợp tác Việt Nam - EU trong bối cảnh mới” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Quỳnh Anh - Trưởng Bộ môn Luật ASEAN và các Liên kết quốc tế và TS. Phạm Hồng Hạnh - Phó trưởng bộ môn Công pháp quốc tế.

Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hợp tác tư pháp - nội vụ là một chính sách rất đặc thù của Liên minh châu Âu. Hiểu rõ và vận dụng chính sách này có thể mang tới những lợi ích không nhỏ không chỉ cho các công dân châu Âu mà cho cả công dân của nước thứ ba, nhất là trong bối cảnh châu Âu đang là một trong những đối tác quan trọng nhất của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Để làm rõ thêm những nội dung của trụ cột hợp tác này tại Liên minh châu Âu, từ đó xây dựng những định hướng cho mối quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu, đồng thời hướng tới kỷ niệm 33 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên minh châu Âu, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác tư pháp và nội vụ của Liên minh châu Âu: những gợi mở đối với hợp tác Việt Nam - EU trong bối cảnh mới” dưới hai hình thức trực tiếp tại Đại học Luật Hà Nội và trên nền tảng trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của Bà Vũ Thị Thảo - Trưởng Phòng quốc tịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, Bộ Tư pháp; Ông Đinh Mạnh Tuấn - Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu châu Âu cùng nhiều đại biểu đến từ Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các đại diện từ các Trường Đại học như: Đại học Kiểm sát, Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Phụ nữ, Học viện Chính sách và phát triển…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết 33 năm trước, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối ngoại và tiến trình hội nhập của nước ta. Trong 33 năm vừa qua, mối quan hệ này đã phát triển nhanh chóng và ngày càng sâu rộng. Liên minh châu Âu đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt thời kỳ bắt đầu công cuộc hội nhập đầy thử thách với nhiều hoạt động hỗ trợ quan trọng về hoạch định chính sách, nâng cao năng lực thể chế, cũng như thường xuyên trao đổi, tham vấn và phối hợp lập trường trên nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, đặc biệt về hòa bình an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu, tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ, phát triển bền vững, các thách thức về an ninh phi truyền thống...

TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Bắt đầu từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do EVFTA chính thức có hiệu lực, mở ra một trang mới trong mối quan hệ giữa hai bên. Để phát huy tối đa những lợi ích mà Hiệp định mang lại, việc tìm hiểu những chính sách của Liên minh châu Âu là cần thiết, mà một trong số đó là chính sách hợp tác tư pháp – nội vụ, một chính sách rất đặc thù của Liên minh châu Âu. Chính sách này tạo điều kiện cho không chỉ công dân châu Âu mà cả công dân của nước thứ ba được tự do di chuyển và tiếp cận công lý. Việc nghiên cứu về trụ cột hợp tác tư pháp – nội vụ của Liên minh châu Âu có thể mang tới những gợi mở hữu ích cho các nhà lập pháp và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam. TS Chu Mạnh Hùng mong rằng các đại biểu sẽ tập trung vào hai nội dung chính của Hội thảo là Đánh giá, phân tích về quá trình và những nội dung hợp tác tư pháp – nội vụ của Liên minh châu Âu; Góp phần làm rõ các định hướng, chính sách, mục tiêu chung của Việt Nam trong mối quan hệ với EU.

Tại hội thảo các đại biểu sẽ được nghe các tham luận về chủ đề: Tổng quan về hợp tác tư pháp và nội vụ của Liên minh Châu Âu; Quyền tự do di chuyển của công dân Liên minh châu Âu: Quy định pháp lý và những khó khăn trong thực thi; Chính sách nhập cư của EU và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Khủng hoảng người nhập cư tại Châu Âu và những tác động của nó đối với quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong vấn đề di cư; Hợp tác tư pháp về dân sự, thương mại nội khối trong Liên minh Châu Âu và liên hệ với Việt Nam; Một số trao đổi về hoạt động hợp tác tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các nước trong Liên minh Châu Âu.

Hội thảo này cũng là cơ hội quý báu để tăng cường hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và các đơn vị có liên quan (như Bộ Ngoại giao, các Viện nghiên cứu), tạo diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, thể hiện quan điểm và đóng góp các ý kiến chuyên môn có giá trị nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.