Hội thảo “Pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước – Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam”

Đăng vào 06/10/2023

Nằm trong chuỗi những hoạt động của Tuần lễ Pháp luật Việt-Đức lần thứ 13 tại Trường Đại học Luật Hà Nội, chiều 6/10, Hội thảo “Pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước - Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam” được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh tài nguyên nước giữ vai trò hết sức quan trọng đối với môi trường tự nhiên và quá trình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Trải qua một thời gian dài, dưới sức ép của sự phát triển kinh tế, xã hội, tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy giảm về số lượng và chất lượng. Để phát triển bền vững tài nguyên nước, cần có chính sách, pháp luật để giải quyết hài hòa, cân bằng giữa lợi ích của các chủ thể trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. 

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Luật tài nguyên nước năm 2012 của Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Sau hơn 9 năm thi hành, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng Luật Tài nguyên nước 2012 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Do đó, việc tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia, trong đó có CHLB Đức có ý nghĩa trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam.

Hội thảo “Pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước - Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam” là một trong những hoạt động chính được triển khai trong khuôn khổ “Những ngày Pháp luật Việt - Đức” tại Trường Đại học Luật Hà nội nhằm hướng tới nhận diện rõ sự cần thiết khách quan, cơ sở khoa học và thực tế để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước; Xác định rõ những vấn đề cơ bản, trọng tâm của pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước cần hoàn thiện; Cung cấp các quan điểm, các góc nhìn đa chiều của các nhà nghiên cứu khoa học, các cán bộ từ các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà hoạt động thực tiễn, các giảng viên Việt Nam và CHLB Đức liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước góp phần đóng góp những ý kiến hữu ích, sát thực cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước trong thời gian tới.

Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá tổng quan về hệ thống pháp luật về tài nguyên nước của Việt Nam và CHLB Đức; Nhận định, đánh giá khách quan về thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam và CHLB Đức về vấn đề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đối với tài nguyên nước; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với nguồn nước; kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; phòng chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; giấy phép tài nguyên nước; tranh chấp và giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước; hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển tài nguyên nước; vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; Đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam nhằm nhận diện những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Đức.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước – Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam”

Với mong muốn trở thành một điểm đến của tri thức và là diễn đàn rộng rãi để các nhà nghiên cứu, giảng dạy gặp gỡ, trao đổi, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn duy trì hoạt động nghiên cứu khoa học và hội thảo lần này được tổ chức với mong muốn các quý vị đại biểu, các thầy cô, các nhà khoa học cùng trao đổi và tìm kiếm những cách thức, con đường, biện pháp nhằm chia sẻ  kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang  Đức trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước của hai quốc gia, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam và CHLB Đức.