Hành trình 5 năm xây dựng & phát triển Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội

Đăng vào 07/03/2024

Nằm trong chuỗi các hoạt động và là hoạt động nổi bật chào mừng 05 năm thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk và đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho Phân hiệu, ngày 07/3, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội - 5 năm xây dựng & phát triển”.   

Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học: “Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội - 5 năm xây dựng & phát triển”.

Tham dự Hội thảo có ThS Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk; Ông Đỗ Đức Hà - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk; Luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk; PGS.TS Phạm Thế Trịnh – Trưởng phòng QLKH, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk; TS. Lê Anh Vân - Trưởng khoa Luật và QLNN Trường Đại học Thái Bình Dương.

Về phía Nhà trường có TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường; ThS Nguyễn Hùng Vừa - Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường, lãnh đạo Phân hiệu và toàn thể viên chức, người lao động tại Phân hiệu.

Hội thảo được tổ chức với mục đích đánh giá tổng quát quá trình xây dựng, phát triển Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk trong 05 năm kể từ khi được thành lập và định hướng phát triển Phân hiệu trên các mặt công tác. Bên cạnh đó, hội thảo còn là sự kiện điểm lại các kết quả Phân hiệu đã đạt được; phân tích, đánh giá những hạn chế, yếu kém, rút ra bài học, định hướng và các giải pháp phát triển Phân hiệu trong những năm tới góp phần đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Phân hiệu ra đời trên cơ sở chủ trương rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật cho khu vực Tây Nguyên vì đây là khu vực trọng yếu về an ninh - quốc phòng và kinh tế, xã hội của đất nước.

TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ giới hạn của Hội thảo này, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên đã điểm qua một số kết quả nổi bật của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk trong 05 năm kể từ thành lập. Thứ nhất, thực hiện quyết định giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột từ ngày 31/12/2019 và chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất, quyền sử dụng đất, tài sản, tài chính, nhân sự cho Phân hiệu. Sau đó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã có Quyết định số 106/QĐ-ĐHLHN ngày 10 tháng 01 năm 2020 về việc tiếp nhận 45 viên chức, người lao động của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đến làm việc tại Phân hiệu. Toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất do Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột quản lý và sử dụng (trước đó) được hoàn thành điều chuyển sang Trường Đại học Luật Hà Nội. Thứ hai, về tổ chức bộ máy, nhân sự: Hiệu trưởng đã ký ban hành gần 10 văn bản để hoàn thiện các thể chế cho Phân hiệu. Các văn bản được ban hành theo hướng phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ, tạo sự chủ động cho công tác của Phân hiệu. Thứ ba, về tuyển sinh, đào tạo, từ năm học 2019 - 2020, Phân hiệu liên tục triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học hình thức chính quy, vừa làm vừa học, liên thông đại học và trình độ sau đại học. Tính đến nay, Phân hiệu đã tuyển sinh được 05 khóa đại học chính quy, đã và đang tổ chức, quản lý đào tạo 24 lớp với số lượng người học là 1.101 sinh viên, học viên đến từ 49 tỉnh, thành trong cả nước. Thứ tư, về nghiên cứu khoa học, Phân hiệu đã có 02 bài báo khoa học đăng tạp chí quốc tế, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, tổ chức thành công 01 Tọa đàm khoa học quốc tế, 05 Hội thảo khoa học cấp Trường, 01 Tọa đàm khoa học cấp Trường, 06 Hội thảo khoa học cấp khoa, 03 Tọa đàm cấp khoa và có 57 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; có 10 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, trong đó có 01 đề tài đạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường; có 01 sinh viên là tác giả báo cáo hội thảo khoa học cấp Trường. Thứ năm, về chương trình đào tạo, giáo trình, học liệu. Trong năm 2023, Phân hiệu đã phối hợp cùng Trụ sở chính đã tiến hành thành công công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 03 và 04 chương trình đào tạo đại học. Đến nay, Thư viện Phân hiệu có vốn tài liệu rất đa dạng, phong phú với gần 2.200 tên tài liệu với hơn 19.200 bản (trong đó giáo trình hơn 5.700 cuốn; sách tham khảo hơn 6.200 cuốn; văn bản pháp luật, đề tài nghiên cứu khoa học, tài liệu hội nghị hội thảo hơn 7.200 bản. Thứ sáu, cơ sở vật chất Phân hiệu đảm bảo quy mô đào tạo 2.000 học viên, sinh viên. Khuôn viên Phân hiệu được quy hoạch hợp lý, khoa học với hệ thống cây xanh, cây bóng mát, thảm cỏ..; Khu giảng đường của Phân hiệu được thiết kế với 03 khối nhà cao 4 tầng, với sức chứa từ 25 người đến 150 người, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình học tập; Hai tòa nhà ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho khoảng 900 sinh viên, được trang bị đủ hệ thống điện nước, internet, bình nước nóng cho từng phòng, máy lọc nước tại các phòng sinh hoạt chung; Nhà thi đấu đa năng với diện tích 960m2 phục vụ thi đấu các môn bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ, bóng bàn; sân bóng đá ngoài trời được nâng cấp với mặt cỏ nhân tạo… Thứ bảy, về hoạt động phục vụ cộng đồng, trong 05 năm qua, Phân hiệu đã tích cực thực hiện chức năng phục vụ cộng đồng, gắn các hoạt chuyên môn của Phân hiệu với các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội.

Ban tổ chức đã đặt hàng 18 tham luận, các tham luận đã được đóng thành Kỷ yếu và gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu và các thầy, cô giáo. Để dành thời gian cho các đồng chí, quý vị đại biểu trao đổi, thảo luận, góp ý, đánh giá, phê bình, hiến kế cho Phân hiệu về tất cả những vấn đề liên quan đến Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội trong 5 năm đã qua và chặng đường đầy triển vọng phía trước. Do vậy, ban tổ chức dự kiến chỉ có một số tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo này. Trong số các tham luận trực tiếp có tham luận của tôi với chủ đề Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk - 05 năm xây dựng và định hướng phát triển.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đã gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo cùng toàn thể các đồng chí đã tích cực gửi bài đến Hội thảo, dành thời gian tham dự Hội thảo này. Với những ý kiến giải pháp gởi mở thông qua các tham luận của hội thảo, các đồng chí tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường để triển khai các công việc trong thời gian tới của Nhà trường nói chung và của Phân hiệu nói riêng. “Cùng với nhiều thách thức đặt ra cho Trường Đại học Luật Hà Nội, cũng như Phân hiệu, trong việc thực hiện chiến lược phát triển Trường, thực hiện Quyết định 1156 về Trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật; Quyết định 1056 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát chất lượng đào tạo luật, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Nhà trường cần sự tham mưu của lãnh đạo phân hiệu để có hướng phát triển Phân hiệu trong thời gian tới” TS. Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh. Chủ tịch Hội đồng Trường Chu Mạnh Hùng đề nghị sau Phân hiệu tổng kết Nghị quyết 26 của Đảng ủy trên cơ sở đó tham mưu cho Đảng ủy xây dựng Nghị quyết từ đó tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường có phương hướng phát triển Phân hiệu trong giai đoạn 05 năm tiếp theo.

TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu kết thúc hội thảo.

Sau nhiều giờ làm việc, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, điều đó đã làm góp phần vào sự thành công của Hội thảo cũng như đóng góp thêm thành tích của Phân hiệu. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, TS. Chu Mạnh Hùng mong muốn trong hành trình phát triển Phân hiệu sắp tới, các đồng chí cùng đồng hành với Nhà trường và Phân hiệu vì sự nghiệp chung đào tạo cán bộ pháp luật cho Đất nước.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới, tập thể lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, lãnh đạo Phân hiệu cùng đội ngũ viên chức,  người lao động tịa Phân hiệu tin tưởng vào tương lai tươi sáng ở phía trước, quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển Phân hiệu vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo