Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng

Đăng vào 31/05/2024

Sáng 31/5, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng.

Các đại biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Anh Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có  TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐ Trường; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng.

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội nêu rõ, trong những năm gần đây, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới theo hướng trao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhằm phát huy mọi tiềm năng sức sáng tạo trong đổi mới mô hình quản trị, xây dựng chiến lược phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, tạo môi trường thuận lợi để nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên có môi trường sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, cũng như thu hút nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục. Những thay đổi đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đảng ủy Khối đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, Ban Giám hiệu các trường trực thuộc triển khai hiệu quả việc thực hiện dân chủ gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phát biểu dẫn đề.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đã phát huy vai trò của người đứng đầu; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong nhiều mặt công tác; định kỳ tổ chức đối thoại với cán bộ, giảng viên, sinh viên... Việc thực hiện dân chủ đã góp phần quan trọng tạo nên sự đoàn kết, ổn định, phát triển của các trường; nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong tình hình mới.

Để không ngừng nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các trường Đại học thuộc Khối, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền đề nghị các đại biểu dự Hội nghị cần tập trung vào những nội dung cụ thể như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Ban giám hiệu gắn với thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; vai trò của Hội đồng trường, Ban giám hiệu, các tổ chức chính trị-xã hội và các Hội sinh viên trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng trường; các nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới…

Trao đổi về dân chủ và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồngTrường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, chiến lược nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của các trường đại học, cao đẳng, do đó chiến lược phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng là yêu cầu cấp thiết.

Về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, TS Chu Mạnh Hùng nêu rõ, tự chủ đại học chỉ thành công khi chất lượng và hiệu quả đào tạo được khẳng định thông qua trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình là trách nhiệm đương nhiên của cơ sở giáo dục đại học dù đó là cơ sở giáo dục tự chủ hay không. Sự khác biệt về trách nhiệm giải trình giữa cơ sở giáo dục đại học truyền thống và cơ sở giáo dục đại học tự chủ là ở chỗ giải trình cái gì, giải trình với ai và giải trình như thế nào. Yêu cầu đặt ra là các hệ thống giải trình phải dựa trên phương pháp luận khoa học, rõ ràng và thực tế; việc tiến hành giải trình phải tin cậy, đúng đắn và công bằng; cả phương pháp luận và kết qủa phải công khai…

TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồngTrường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận Dân chủ và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về tăng cường phát huy dân chủ cơ sở góp phần chuyển đổi mô hình tổ chức; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thu hút, sử dụng nhân tài trên cơ sở phát huy dân chủ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở Thành phố Hà Nội, nêu rõ, trong những năm qua, thể chế, chính sách về giáo dục đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, nhằm phát huy mọi tiềm năng sức sáng tạo trong đổi mới mô hình quản trị, xây dựng chiến lược phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, tạo môi trường thuận lợi để nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên có môi trường sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế cũng như thu hút nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục. 

Trong thời gian tới, ông Đỗ Anh Tuấn đề nghị Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên, người lao động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn nhà trường; thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của Hội đồng trường, của Hiệu trưởng và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; mở rộng hơn nữa việc thực hiện dân chủ ở tất cả các đối tượng và trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Phát huy quyền làm chủ của giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động, sinh viên, đề cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường.

Đồng thời, tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền; tiếp tục quan tâm hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu một cách hài hòa, không chồng chéo và rõ chức năng, nhiệm vụ. Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy chế, quy định nội bộ liên quan đến thực hiện dân chủ trong nhà trường.

Ông Đỗ Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở Thành phố Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Sơn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng đề nghị, ngay sau Hội nghị, cấp ủy tổ chức Đảng, người đứng đầu tiếp tục triển khai tuyên truyền sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, thi đua và khen thưởng; việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải đi vào thực chất.

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng phát biểu bế mạc Hội nghị.

Với tinh thần phát huy dân chủ, khoa học, các đại biểu đã mang đến Hội nghị nhiều ý kiến được đúc rút từ thực tế rất phong phú, sinh động trên các lĩnh vực, các nhiệm vụ chính trị đặc thù của từng trường nhằm làm sáng rõ hơn nữa tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện quan điểm của Đảng là: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.