NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ ĐƯỢC BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÊ DUYỆT VÀO DANH MỤC NGÀNH ĐÀO TẠO THÍ ĐIỂM TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Đăng vào 07/06/2024

Ngày 07/6/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT theo đó bổ sung Ngành Luật thương mại quốc tế (Mã ngành 7380109) vào Danh mục ngành đào tạo thí điểm trình độ đại học. Danh mục này thống kê các ngành được triển khai đào tạo thí điểm tại các cơ sở đào tạo, chưa có mã ngành trong Danh mục ngành chính thức và do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành, cập nhật theo quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT. Ngành Luật thương mại quốc tế là ngành luật duy nhất của cả nước được bổ sung mới vào Danh mục trong đợt này. Trong quá trình trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tích cực gửi các Báo cáo tổng kết thí điểm hơn 13 năm đào tạo, báo cáo giải trình về sự cần thiết đào tạo mã Ngành này cũng như trực tiếp cử Phó hiệu trưởng Trường, Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế tham gia các Hội nghị do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.

Từ năm 2011, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đầu tiên trong cả nước đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo Ngành Luật thương mại quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn cao về pháp luật thương mại quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là Ngành đào tạo thứ hai (sau Ngành Luật) được Trường Đại học Luật Hà Nội triển khai đào tạo ở trình độ đại học. Đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có 9 Khóa sinh viên tốt nghiệp, đã và đang đào tạo 13 Khóa sinh viên văn bằng 1 và 2 Khóa sinh viên Văn bằng 2 Ngành Luật thương mại quốc tế. Chương trình đào tạo Ngành Luật thương mại quốc tế đã được kiểm định thông qua quy trình đánh giá ngoài, đạt chất lượng và được đánh giá ở mức cao (92%). Chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến ở các nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Singapore), bao gồm ba trụ cột chính: i) Kiến thức pháp luật dân sự – thương mại trong nước và kiến thức chuyên sâu về pháp luật thương mại quốc tế; ii) Kỹ năng luật gia; và iii) Tiếng Anh pháp lý. Thời gian đào tạo tiêu chuẩn là 4 năm, nhưng sinh viên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân Ngành Luật thương mại quốc tế.

Sinh viên Ngành Luật thương mại quốc tế thường xuyên được lựa chọn, huấn luyện và tham gia các cuộc thi học thuật uy tín trong nước và quốc tế, liên tục đạt các giải thưởng cao. Các cuộc thi học thuật được xem là môi trường đào tạo ngoại khóa đặc thù, bổ ích mà Ngành Luật thương mại quốc tế đã, đang và sẽ thực hiện, được minh chứng bằng những bảng thành tích cao được làm giàu thêm mỗi năm bởi những thế hệ sinh viên ưu tú.

Ảnh Lễ bế giảng Khoá 44 hệ đại học chính qui, ngành Luật Thương mại quốc tế.

Về tuyển sinh, từ năm 2011 đến năm 2021, mỗi năm Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển 120 sinh viên ở 2 tổ hợp xét tuyển là A01 và D01. Với kết quả đào tạo tích cực và để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực pháp luật thương mại quốc tế ngày càng cao của xã hội, từ năm 2022 Trường Đại học Luật Hà Nội đã nâng chỉ tiêu tuyển sinh Ngành Luật thương mại quốc tế lên 200 sinh viên mỗi năm. Kết quả trúng tuyển hàng năm đều rất tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, với mức điểm trúng tuyển cao. Điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên học bạ THPT vào khoảng 29 điểm; trong khi điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT vào khoảng 25 - 27 điểm. Cử nhân Ngành Luật thương mại quốc tế có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm như các công việc lập pháp, hành pháp, tư pháp tại các cơ quan nhà nước, các công việc bổ trợ tư pháp và tư vấn pháp lý, hoặc giảng dạy, nghiên cứu về pháp luật thương mại quốc tế. Hầu hết sinh viên đều tốt nghiệp đúng hạn, được xếp loại học tập cao, sớm có được việc làm đúng ngành nghề đào tạo và được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao. Với tính liên thông cao, chương trình đào tạo đại học Ngành Luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội cho phép sinh viên có nhiều cơ hội tiếp tục theo học trình độ cao hơn ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam trong các ngành khác, như Ngành Luật Quốc tế, Ngành Luật, Ngành Kinh doanh quốc tế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học.