Thành tựu và khen thưởng

Đăng vào 01/09/2020

1. Những thành tựu nổi bật

1.1. Về đào tạo

1.1.1. Quy mô đào tạo

Quy mô đào tạo của Trường không ngừng phát triển qua từng giai đoạn. Từ chỗ chỉ đào tạo vài trăm cử nhân đại học và cao đẳng pháp lí khi mới thành lập, đến nay Trường đã đào tạo tất cả các cấp học, từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ với nhiều hệ đào tạo như chính quy, vừa làm học.

Hiện nay, quy mô đào tạo của Trường trình độ đại học là 13.575 sinh viên, trong đó: Hình thức đào tạo chính đại học chính quy văn bằng một là 8563 sinh viên; hệ đại học chính quy văn bằng hai là 2166 sinh viên; hệ đại học vừa làm vừa học văn bằng một là 875 sinh viên; hệ liên thông từ trung cấp lên đại học hệ vừa làm vừa học là 75 sinh viên; hệ đại học vừa làm vừa học văn bằng hai là 1896 sinh viên (trong đó 1827 sinh viên văn bằng hai ngành Luật và 69 sinh viên văn bằng 2 ngành Luật kinh tế); hệ đào tạo thạc sĩ gần 1026 học viên cao học và 161 nghiên cứu sinh.

Về phát triển chương trình đào tạo: Năm 2011, Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo mã ngành Luật kinh tế theo Quyết định số 6249/QĐ-BGDĐT ngày 09/12/2011; cho phép đào tạo thí điểm mã ngành Luật thương mại quốc tế theo Quyết định số 582/QĐ-BGDĐT ngày 11/02/2011. Ngày 17/01/2012 Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành ngôn ngữ Anh (tiếng Anh pháp lí) theo Quyết định số 231/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.1.2. Kết quả đào tạo

Từ khi thành lập đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 87.000 cán bộ pháp luật, trong đó có 330 tiến sĩ, 4502 thạc sĩ, hơn 74.000 cử nhân đại học, hơn 500 cử nhân cao đẳng và gần 8.000 học viên trung cấp luật, chiếm trên 60% tổng số cán bộ pháp luật đã được đào tạo của cả nước đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hiện nay. Trường cung cấp trên 90% cán bộ giảng dạy pháp luật cho các cơ sở đào tạo luật trong toàn quốc.

Chất lượng sinh viên ở tất cả các hệ, nhất là hệ chính quy, khá ổn định và từng bước được nâng cao. Tỉ lệ sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp hàng năm đạt cao, nhiều sinh viên đạt loại khá, giỏi. Sinh viên tốt nghiệp của Trường được các đơn vị tuyển dụng đánh giá là khá hơn về kiến thức so với mặt bằng chung của sinh viên luật hiện nay.

Mặc dù hiện nay trong cả nước đã có hơn 100 cơ sở đào tạo luật nhưng Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn là cơ sở dẫn đầu về quy mô và chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này. Năm 2009, Trường đã được Đoàn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát, đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của Trường và xếp Trường đạt mức độ 2, mức cao nhất trong các trường đại học được đánh giá.

1.2. Về nghiên cứu khoa học

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và lãnh đạo Nhà trường, đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại, Trường Đại học Luật Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học.

Đến nay, cán bộ, giảng viên của Trường đã chủ trì và tham gia 20 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 77 đề tài cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp Trường cùng hàng nghìn bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, góp phần giải quyết nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy pháp luật, công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Trong 5 năm gần đây, Trường đã tổ chức thành công 299 hội thảo (trong đó 26 hội thảo khoa học cấp quốc tế; 01 hội thảo cấp Bộ, 73 hội thảo cấp Trường, 199 hội thảo cấp Khoa). Ngoài ra, hằng năm, Trường cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam hoặc nước ngoài.

Tính đến nay, Trường đã xuất bản gần 120 đầu giáo trình, tài liệu phục vụ các chương trình đào tạo. Từ năm 2018 - 2023, Trường đã in, tái bản, nối bản có sửa đổi, bổ sung 182 lượt giáo trình, tài liệu. Bộ giáo trình của Trường được xã hội đánh giá là hoàn chỉnh và có chất lượng nhất trong số các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Ngoài ra, các bộ câu hỏi, bài tập tình huống, danh mục đề tài nghiên cứu khoa học cùng hồ sơ môn học cũng đã được xây dựng cho từng bộ môn.

Hoạt động công bố quốc tế được đẩy mạnh với 107 công bố quốc tế trong những năm gần đây. Đến năm 2023, 12 nhóm nghiên cứu đã được thành lập và đang hoạt động rất tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực công bố quốc tế, thực hiện đề tài cấp bộ, cấp thành phố, đăng bài trên các tạp chí uy tín...

Tính từ số Tạp chí đầu tiên ra mắt bạn đọc (số 1/1994) đến nay, Tạp chí Luật học đã xuất bản và phát hành phục vụ bạn đọc 271 số định kì, 24 số đặc san tiếng Việt; 01 số tiếng Anh với 2950 bài báo khoa học của hơn 700 tác giả trong và ngoài Trường trong đó có nhiều tác giả nước ngoài từ Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào…

1.3. Về hợp tác quốc tế

Đến nay Trường đã có quan hệ hợp tác với khoảng 40 cơ sở đào tạo luật của nước ngoài trong đó có nhiều cơ sở thuộc những  cơ sở đào tạo luật hàng đầu của thế giới. Nhiều chương trình, dự án hợp tác đã và đang được triển khai hiệu quả, trong đó có các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật bằng tiếng Pháp với Đại học Paris II (Cộng hoà Pháp), liên kết đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ luật bằng tiếng Anh với Đại học Lund (Thụy Điển), liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật Quốc tế và Luật Thương mại quốc tế bằng tiếng Anh với Trường Đại học Tây Anh Quốc (UWE, Anh Quốc), chương trình liên kết đào tạo song bằng cử nhân luật với Đại học Arizona của Hoa Kỳ. Hoạt động trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên với các cơ sở đào tạo luật có uy tín của nước ngoài luôn được chú trọng, theo đó, nhiều lượt giảng viên, sinh viên của Trường đã có cơ hội được trao đổi học tập, nghiên cứu tại các trường đối tác và Trường cũng đã tiếp nhận giảng viên, sinh viên nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Trường.

Sự trưởng thành và những đóng góp cho sự nghiệp chung của Trường Đại học Luật Hà Nội có thể đúc kết lại ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, về phát triển năng lực và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học

Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học luật đầu tiên của chế độ mới và cho đến nay vẫn là cơ sở đào tạo luật có chất lượng, năng lực và uy tín hàng đầu ở Việt Nam ở tất cả các trình độ, bậc học, hình thức đào tạo. Cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường trưởng thành vượt bậc. Chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo từ chỗ chưa có gì, nay đã có đầy đủ chương trình đào tạo của các cấp học, các hình thức đào tạo với nhiều lần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Cơ sở vật chất, kĩ thuật cũng khang trang, đầy đủ hơn và đang tiếp tục được hoàn thiện để phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập.

Thứ hai, về đóng góp cho việc phát triển các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam

Trường đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung, phát triển hoạt động đào tạo luật ở Việt Nam nói riêng. TừTrường Đại học Luật Hà Nội đã khai sinh ra hai cơ sở đào tạo lớn của đất nước là Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (được xây dựng từ Phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh) và Học viện Tư pháp (được xây dựng từ Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của Trường Đại học Luật Hà Nội).

Trường luôn là cơ sở đi đầu trong việc phát triển các chương trình đào tạo, thực hiện đa dạng hoá các loại hình đào tạo và đổi mới phương pháp đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từng bước tiếp cận với xu hướng chung của khu vực và thế giới.

Trường đã tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ khoa học có trình độ cao cho các cơ sở đào tạo luật khác ở Việt Nam. Bên cạnh đó, rất nhiều giảng viên của Trường đang là giáo viên thỉnh giảng, cộng tác viên ở rất nhiều cơ sở đào tạo công lập cũng như ngoài công lập. Hệ thống giáo trình của Trường cũng được sử dụng chính thức hoặc được tham khảo rộng rãi ở nhiều cơ sở đào tạo luật khác của Việt Nam.

Thứ ba, về đóng góp cho ngành tư pháp và cho đất nước nói chung

Trường đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Bộ Tư pháp giao, góp phần xứng đáng vào việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ pháp lí đã kéo dài trong nhiều năm, không ngừng nâng cao trình độ và từng bước thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ tư pháp; tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống pháp luật và cải cách tư pháp. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn là nơi cung cấp nhiều nhất đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật cho Ngành Tư pháp và cho đất nước, trong đó nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Trường đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, những nhà nghiên cứu có tên tuổi, đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường; sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh của nước ta.

2. Khen thưởng

Trường Đại học Luật Hà Nội đã nhiều lần được công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao và được nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước.

- Ba lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động vào các năm:

+ Năm 1980: Huân chương Lao động hạng Ba.

+ Năm 1989: Huân chương Lao động hạng Nhì.

+ Năm 1994: Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Được tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ cho “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành tư pháp” năm 1993.

- 5 lần được cờ thi đua “Đơn vị thi đua xuất sắc” của Bộ Tư pháp vào các năm: 1988, 1991, 1992, 1997, 2003 và 2006

- Nhiều lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương, trong đó có:

+ Bằng khen của Thủ tướng chính phủ tặng cho đơn vị có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2004 đến 2006, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ tặng cho đơn vị có thành tích trong công tác đào tạo năm 2009.

+ Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng cho đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào thi đua vào các năm: 1989, 1999, 2000, 2001, 2002, 2004.

+ Bằng khen của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống ma tuý trong trường học năm 1997, 1998.

+ Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống ma tuý 3 năm 2001- 2003….

- Năm 2004: Huân chương Độc lập hạng Ba.

- Năm 2014: Huân chương Độc lập hạng Nhì.

- Năm 2019: Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ Hai)