Bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Đăng vào 29/10/2020

Ngày 28/10/2020, ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu: "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0". Đề tài do TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp làm chủ nhiệm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề mới phát sinh của thời đại, được xác định trong thời gian gần đây. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế văn hóa xã hội chỉ bắt đầu được đề cập nhiều từ năm 2017. Mặc dù vậy, nhiều công trình, hoạt động nghiên cứu khoa học khác nhau trên các lĩnh vực đề cập đến vấn đề này đã được công bố và lĩnh vực giáo dục và đào tạo không là ngoại lệ. Ở những góc độ khác nhau, các công trình khoa học đã nghiên cứu, làm rõ về các nội dung như bất cập hạn chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành tư pháp hiện nay và đưa ra các định hướng, chiến lược, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp trong điều kiện cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh đó, đề tài nghiên cứu khoa học Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu tổng quát là làm rõ những vấn đề lý luận về nội dung tác động, yêu cầu đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động giáo dục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nguồn nhân lực ngành Tư pháp và vị trí việc làm của ngành tư pháp; đánh giá đúng thực trạng chất lượng công chức, viên chức ngành tư pháp hiện nay; thực trạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp hiện nay, từ đó đề xuất định hướng và giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đề tài có 01 chủ nhiệm, 03 thư ký khoa học, và 14 thành viên nghiên cứu tham gia thực hiện đề tài, đến từ các cơ sở đào tạo ngành tư pháp và các cơ quan chuyên môn như Viện Khoa hoc pháp lý, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp, Đại học Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT...

Đề tài đặt ra các mục tiêu cụ thể như sau: (1) Làm rõ những vấn đề lý luận về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp trước yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể: Xác định các phương diện chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động giáo dục đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp;  Xác định những nội dung mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến hệ thống pháp luật Việt Nam; Xác định những nền tảng ứng dụng, bước đi, lộ trình thực hiện thông qua đúc rút kinh nghiệm từ một số quốc gia khác; Xác định cụ thể, chi tiết những yêu cầu, đòi hỏi về tiêu chuẩn, khung năng lực vị trí việc làm của nguồn nhân lực ngành Tư pháp phải đáp ứng trong thời đại công nghiệp 4.0. (2) Đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp hiện nay trong mối quan hệ với yêu cầu, đòi hỏi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như: Đánh giá thực trạng đào tạo trình độ cử nhân luật và đào tạo, bồi dưỡng nghề các chức danh tư pháp trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả đánh giá tìm ra được ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của ưu điểm hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp hiện nay trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (3) Đề xuất các giải pháp nền tảng, giải pháp ứng dụng, điều kiện đảm bảo và lộ trình ứng dụng hiệu quả trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiến tới xây dựng hệ thống “Smart Education” trên nhiều phương diện.

Các sản phẩm của đề tài: 11 chuyên đề, báo cáo kết quả xử lý 220 Phiếu hỏi học viên và 80 phiếu hỏi cán bộ, giảng viên Học viện Tư pháp, giảng viên thỉnh giảng, các chuyên gia, các nhà khoa học, 02 báo cáo kết quả hội thảo khoa học, báo cáo tổng quan tình hình nghiên cứu, 04 bài báo khoa học (tăng 02 bài báo so với thuyết minh được phê duyệt).

Ngày 11 tháng 9 năm 2020, Đề tài đã được nghiệm thu cấp cơ sở và xếp loại Xuất sắc (04/05 phiếu xếp loại Xuất sắc, 01/05 phiếu xếp loại Đạt).

Sau khi bảo vệ cấp cơ sở vào ngày 11/9/2020, Ban chủ nhiệm đề tài đã tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng nghiệm thu. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đã nhất trí nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với kết quả xếp loại xuất sắc.

Nguồn: Học viện Tư pháp