KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TRONG 5 NĂM (2017 - 2021)

Đăng vào 17/05/2021

1. Những kết quả chủ yếu trong hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác quản lý, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường

Trong gần 42 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn giữ vững “vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu cơ bản về pháp luật hàng đầu ở Việt Nam”,  “[…] trung tâm nghiên cứu, trung tâm học thuật và trao đổi các ý tưởng khoa học pháp lý có uy tín tại Việt Nam”. Tiếp nối truyền thống nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường trong những năm qua tiếp tục phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác quản lý, tăng cường năng lực đào tạo của Trường. Hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở giáo dục đào tạo luật hàng đầu có tiềm năng lớn về nghiên cứu khoa học với 309 giảng viên, trong đó có 03 giáo sư, 35 phó giáo sư, 89 tiến sĩ, 178 thạc sĩ thuộc các chuyên ngành đào tạo (thời điểm 01/5/2021). Đây là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, góp phần quan trọng vào thành công của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Trong 5 năm qua (2017 -  2021), công tác xây dựng thể chế nội bộ về nghiên cứu khoa học của Trường được đẩy mạnh và ngày càng hoàn thiện, là căn cứ pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của Trường, trong đó phải kể đến các văn bản quan trọng sau:

- Quy định tạm thời về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại Trường Đại học Luật Hà Nội;

- Quy định tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội;

- Chiến lược phát triển khoa học giai đoạn 2016 - 2021 của Trường Đại học Luật Hà Nội;

- Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020;

- Hướng dẫn tạm thời về điều kiện và thủ tục thực hiện Điều 21b Quy chế chi tiêu nội bộ (sửa đổi, bổ sung) về chi hỗ trợ cho công bố quốc tế

- Hướng dẫn thực hiện đề tài ứng dụng cấp cơ sở tại Trường đại học Luật Hà Nội;

- Hướng dẫn quy trình tổ chức Hội thảo, tọa đàm của Trường đại học Luật Hà Nội

- Quy chế quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học Luật Hà Nội;

- Quy định hướng dẫn thành lập Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Luật Hà Nội;

Trong 5 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác quản lý, tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường, cụ thể:

- Chủ trì, triển khai thực hiện thành công 14 đề tài cấp Bộ (03 đề tài bảo vệ năm 2017, 04 đề tài bảo vệ năm 2018, 03 đề tài bảo vệ năm 2019, 01 đề tài bảo vệ năm 2020, 01 đề tài đang triển khai và sẽ bảo vệ trong năm 2021, 02 đề tài đã được giao nhiệm vụ và ký hợp đồng năm 2021);

- Chủ trì, thực hiện thành công 02 đề tài, đề án cấp Nhà nước, 01 đề tài NAFOSTED, cụ thể: 1) Đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012” là nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020; 2) Đề tài “Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay”; 3) Đề tài NAFOSTED “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (đề tài đột xuất của Quỹ Nafosted).

Từ năm 2017 đến nay, Trường đã tổ chức hiệu quả hoạt động quản lý đề tài và nghiệm thu thành công 164 đề tài khoa học cấp cơ sở (năm 2017: 40 đề tài; năm 2018: 43 đề tài; năm 2019: 34 đề tài; năm 2020: 40 đề tài; đến tháng 5/2021: 07 đề tài ứng dụng, các đề tài được phê duyệt theo Kế hoạch năm 2020 đang được triển khai đúng tiến độ và nghiệm thu trong năm 2021).

Có thể đánh giá chung về kết quả nghiên cứu khoa học của Trường như sau: Nội dung các công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ hoặc tương đương đã tập trung bám sát yêu cầu trọng tâm công tác của Nhà nước, Bộ, Ngành cũng như đóng góp thiết thực cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, Bộ, Ngành. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu khoa học đã tập trung nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý các lĩnh vực của ngành, các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết số 48-NQ/TW, 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đối với các công trình nghiên cứu cấp cơ sở (cấp Trường), hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong Trường bám sát triển khai thực hiện Quyết định 549/2013/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Nghị quyết số 54-NQ/BCSĐ ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường Đại Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo về pháp luật đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học đã đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng và chiến lược cải cách tư pháp của đất nước nói chung.

Từ năm 2017 - 2020, Trường đã tổ chức thành công 241 hội thảo (trong đó 22 hội thảo khoa học cấp quốc tế; 01 hội thảo cấp Bộ, 51 hội thảo cấp Trường, 167 hội thảo cấp Khoa). Các hội thảo, tọa đàm các cấp tập trung vào các vấn đề đương đại của khoa học pháp lý và mang tính thời sự, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng và chiến lược cải cách tư pháp của đất nước nói chung.

- Từ năm 2017 đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức thành công, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm Tuần lễ Nghiên cứu khoa học của Trường hằng năm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học dành cho các giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi); Tập huấn về công bố quốc tế, Tập huấn về thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và viết bài công bố quốc tế, Tập huấn cho nghiên cứu sinh về viết và xuất bản bài báo quốc tế tại các tạp chí của Hoa Kỳ, Tọa đàm về công bố quốc tế, Hội thảo về công bố quốc tế, Toạ đàm cho sinh viên với chủ đề “Nghiên cứu khoa học hướng tới phát triển tư duy pháp lý và kỹ năng nghề luật, Hội thảo khoa học cấp Trường “Nghiên cứu khoa học pháp lý trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội thảo khoa học cấp Trường “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu khoa học và quản lý nghiên cứu khoa học pháp lý”, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Trường Đại học Luật Hà Nội, Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học...

Các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học gửi dự thi Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức) và giải thưởng Eureka (do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức) đạt được nhiều giải cao[1].

Từ năm 2017 - 2020, Trường đã có 27 công bố quốc tế, trong đó có có 04 bài báo ISI/SCPUS[2], 14 bài báo đăng tạp chí nước ngoài có ISSN và phản biện độc lập và 8 chương sách bằng tiếng nước ngoài được xuất bản bởi nhà xuất bản nước ngoài có uy tín; 01 Báo cáo đăng trên kỷ yếu Hội thảo quốc tế. Đến nay, đã có 8 nhóm nghiên cứu đang trong quá trình thành lập nhằm tiến hành hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học đỉnh cao, xuất bản nhiều công bố quốc tế.

Tạp chí Luật học của Trường là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực luật học ở Việt Nam với cơ chế thẩm duyệt bài (peer review) chặt chẽ được đánh giá cao. Tạp chí Luật học có những xuất bản phẩm định kì, chuyên đề, đặc san với nội dung khoa học phong phú, sâu sắc, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội và hoạt động của ngành Tư pháp nói chung. Tính từ số Tạp chí đầu tiên ra mắt bạn đọc (số 1/1994) đến nay, Tạp chí Luật học đã xuất bản và phát hành phục vụ bạn đọc 247 số định kì, 23 số đặc san với 2.731 bài báo khoa học của hơn 700 tác giả trong và ngoài Trường trong đó có nhiều tác giả nước ngoài từ Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào… Tạp chí cũng quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào Hội đồng biên tập, tham gia phản biện bài cho Tạp chí.

2. Bối cảnh và chiến lược phát triển của Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 trong nghiên cứu khoa học pháp lý

Xác định trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội đã quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu về nghiên cứu khoa học trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Trường đã xác định một số định hướng nghiên cứu khoa học pháp lý trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 377/NQ-HĐTĐHLHN ngày 23 tháng 10 năm 2020 của Hội đồng Trường Đai học Luật Hà Nội như sau:

- Tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng gắn với nhiệm vụ giảng dạy, xây dựng và thực hiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng Trường thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, có năng lực hàng đầu về nghiên cứu khoa học pháp lý, phản biện, đánh giá pháp luật; tăng cường năng lực nghiên cứu của giảng viên: Hằng năm, 100% giảng viên công bố ít nhất 01 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc có ít nhất 01 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong hoặc ngoài nước và có ít nhất 01 báo cáo tại các tọa đàm, hội thảo, hội nghị khoa học trong và ngoài nước; đến năm 2025, 100% giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, 75% giảng viên có trình độ tiến sĩ chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề tài, đề án khoa học công nghệ các cấp; đến năm 2025, mỗi năm công bố ít nhất 50 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,15 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới; đến năm 2030, mỗi năm công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu mỗi năm công bố từ 0,3 bài báo trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.

 - Xây dựng cơ chế tự chủ về nghiên cứu khoa học; đầu tư kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tăng dần tỉ lệ thu - chi đối với hoạt động khoa học và công nghệ của Trường: Kinh phí so với tổng chi cho các đề tài, dự án khoa học và công nghệ tăng ít nhất 15 -20% mỗi năm; đạt 5% tổng chi vào năm 2025 và trên 10% tổng chi vào năm 2030; nguồn thu từ các hoạt động khoa học tăng dần đạt tối thiểu 5% tổng thu của Trường vào năm 2025, 10% tổng thu của Trường vào năm 2028 và 15 % từ năm 2030.

- Hằng năm, phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức ít nhất 03 hội thảo khoa học quốc tế có chất lượng; có ít nhất 06 đề tài khoa học do giảng viên của Trường chủ trì thực hiện có sự hợp tác tham gia của đối tác nước ngoài; Từ năm 2025, hằng năm có ít nhất 20 lượt giảng viên của Trường có báo cáo, tham luận được trình bày tại các hội thảo quốc tế. Đến năm 2025 có ít nhất 05 chương trình nghiên cứu hợp tác với nước ngoài được ký kết và triển khai; trong 05 năm tiếp theo có 10 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài.

- Thành lập, phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, mũi nhọn, nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao uy tín của Trường trong khoa học pháp lý; đến năm 2025, trong mỗi lĩnh vực pháp luật chủ yếu có các nhóm nghiên cứu có vai trò dẫn dắt, có khả năng hình thành và phát triển trường phái học thuật, có uy tín trong nước và quốc tế; xây dựng Tạp chí Luật học đạt tiêu chuẩn quốc tế, được chấp thuận vào ACI từ năm 2025; trở thành tạp chí có uy tín ở châu Á và từng bước khẳng định uy tín trên thế giới; từ năm 2021 phát hành ít nhất 01 số bằng tiếng Anh/năm; từ năm 2025, phát hành ít nhất 02 số bằng tiếng Anh/năm./.

 

DANH MỤC ĐỀ TÀI KHOA HỌC ĐÃ NGHIỆM THU

 

  1. Danh mục đề tài khoa học cấp Nhà nước đã nghiệm thu từ năm 2015 -  nay do Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì

 

STT

TÊN ĐỀ TÀI

NĂM NGHIỆM THU

CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI/ ĐỀ ÁN

1

Nghiên cứu hệ thống kiểm soát xã hội đối với tội phạm xã hội ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

2015

TS. Trương Quang Vinh, Trường Đại học Luật Hà Nội

2

Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật bảo đảm phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

2015

PGS.TS Hoàng Thế Liên, Trường Đại học Luật Hà Nội

3

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012" là nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020.

2020

PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội

4

Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay

2020

PGS.TS. Tô Văn Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội

5

Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (đề tài đột xuất của Quỹ Nafoted)

2021

(đã hoàn thành đang chờ nghiệm thu)

Chủ nhiệm: Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên Hiệp Quốc

Thư ký: Hoàng Ly Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội

 

 

2. Danh mục đề tài khoa học cấp Bộ đã nghiệm thu từ năm 2017 -  2020 do Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì

 

STT

TÊN ĐỀ TÀI

NĂM NGHIỆM THU

CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

1

Hiến pháp năm 2013 và sự phát triển tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2017

PGS.TS. Tô Văn Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội

2

Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền

2017

TS. Trần Văn Đạt, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp

3

Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bí mật dữ liệu cá nhân

2017

TS. Lê Thị Hạnh, Vụ Pháp luật hình sự -  hành chính, Bộ Tư pháp

4

Các khía cạnh pháp lý của tiền ảo: Thực tiễn các nước và một số kinh nghiệm cho Việt Nam 

2018

TS. Nguyễn Minh Oanh, Trường Đại học Luật Hà Nội

5

Sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp ở Việt Nam hiện nay

2018

TS. Nguyễn Bá Bình, Trường Đại học Luật Hà Nội

6

Đổi mới hoạt động giảng dạy và đánh giá kết quả học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội

2018

PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu, Trường Đại học Luật Hà Nội

7

Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay

2018

Đặng Thanh Sơn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp

8

“Lập pháp hình sự về trách nhiệm của pháp nhân dưới góc độ so sánh luật”

2019

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội

9

“Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”

2019

PGS.TS. Phùng Trung Tập, Trường Đại học Luật Hà Nội

10

“Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục”

2019

TS. Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Nhà xuất bản tư pháp, Bộ Tư pháp

11

“Đổi mới mô hình quản trị đại học luật đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện tự chủ đại học”

2020

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội

 

 

 

[1] Giải thưởng cấp Bộ có 06 giải Nhì, 11 giải Ba, 09 giải Khuyến khích; Giải thưởng Eureka có 01 giải Nhất, 01 giải Ba và 11 khuyến khích (tính từ năm 2017 đến năm 2020).

[2] 01 bài của tác giả Nguyễn Hồng Thu (Bộ môn Ngoại ngữ) là tác giả chính; 01 bài của TS.Ngọ Văn Nhân (Khoa Lý luận chính trị) là đồng tác giả; 01 bài của tác giả TS. Vũ Văn Tuấn (tác giả chính) và ThS. Trần Ngọc Định (đồng tác giả); 01 bài của tác giả Nguyễn Hồng Thu (Bộ môn Ngoại ngữ) là đồng tác giả.