Hội thảo khoa học cấp Trường Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với tư pháp quốc tế Việt Nam

Đăng vào 28/10/2022

Sáng 28/10, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với tư pháp quốc tế Việt Nam dưới sự chủ trì của TS Trần Minh Ngọc và TS Vũ Thị Phương Lan.

Đại biểu cùng nhau lưu giữ kỉ niệm tại Hội thảo

Trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, quan hệ hợp tác giữa tổ chức, cá nhân đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại ngày càng gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Các vấn đề pháp lý xoay quanh việc điều chỉnh các quan hệ nói trên thuộc phạm vi điều chỉnh của ngành luật Tư pháp quốc tế trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ. Đặc biệt, làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trên phạm vi toàn cầu, công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, hệ thống pháp luật quốc gia nói chung, ngành luật Tư pháp quốc tế nói riêng lại đứng trước vô vàn những cơ hội và thách thức mới. Thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật... và rất nhiều vấn đề hoàn toàn chưa từng có trước đây đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi sâu sắc về tư duy, nội dung, cách thức xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành, giải quyết tranh chấp để có thể kịp thời điều chỉnh.

Nhằm cung cấp cho các quý vị đại biểu một diễn đàn để nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ về các vấn đề lý luận và thực tiễn kinh nghiệm liên quan đến Tư pháp quốc tế, đặc biệt là những vấn đề được đặt ra trong bối cảnh tình hình mới của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì tổ chức hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những vấn đề đặt ra đối với Tư pháp quốc tế Việt Nam”.

Về phía khách mời có sự tham dự của Bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp; TS. Ngô Quốc Chiến - GV. Khoa Luật Đại học Ngoại thương. Ngoài ra hội thảo còn có sự góp mặt các đại biểu, các nhà khoa học đến đến từ Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Học viện ngân hàng, Toà án nhân dân tối cao, các văn phòng luật sư có tên tuổi...

Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS. TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trần Minh Ngọc - Phó trưởng Khoa pháp luật quốc tế; TS Vũ Thị Phương Lan – Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế cùng đại diện của Khoa chuyên môn, các Trung tâm, Phòng ban có liên quan, cùng đông đảo các giảng viên của Khoa pháp luật quốc tế có mặt trong buổi hội thảo ngày hôm nay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn tới sự hợp tác tích cực và hiệu quả của các thầy cô giáo trong Bộ môn Tư pháp quốc tế, Khoa Pháp luật quốc tế và các phòng ban chức năng khác trong Trường đã phối hợp tổ chức hội thảo này. Đặc biệt cảm ơn các vị khách quý đã đến tham dự và chia sẻ quan điểm với chúng ta cũng như các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và hoạch định chính sách, các thầy cô giáo và các em sinh viên đã dành thời gian đến tham dự hội thảo tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Sự có mặt của các quý vị đại biểu ngày hôm nay đang góp phần xây dựng hình ảnh Đại học Luật Hà Nội là một trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, một điểm đến của tri thức thế giới. PGS. TS Vũ Thị Lan Anh mong muốn hội thảo là cơ hội để các quý vị đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng và đề xuất hoàn thiện pháp luật về Tư pháp quốc tế tại Việt Nam, khả năng xây dựng một đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế để đáp ứng nhu cầu hội nhập và điều chỉnh các giao lưu dân sự quốc tế. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội nhằm khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ và giảng viên trong Trường.

PGS. TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Hội thảo tập trung về các vấn đề mới mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đặt ra đối với Tư pháp quốc tế; Đánh giá những quy định của Tư pháp quốc tế Việt Nam hiện hành trong giải quyết các vấn đề mới mà Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đặt ra; Kinh nghiệm của một số quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện quy định của Tư pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đặt ra; Đóng góp ý kiến và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trước bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Hội thảo sẽ diễn ra trong buổi sáng với 2 phiên làm việc trong đó: Phiên 1, các tác giả sẽ trình bày các tham luận xoay quanh các vấn đề khái quát chung về Tư pháp quốc tế và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chúng ta sẽ thảo luận xoay quanh các vấn đề này; Phiên 2, các tác giả sẽ đi vào trình bày các tham luận về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với một số các nhóm quan hệ cụ thể chuyên biệt như quan hệ hợp đồng thương mại, quan hệ sở hữu trí tuệ...

Toàn cảnh Hội thảo